Hà Nam: Bứt phá trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Hà Nam đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của nhân dân. Thực hiện tốt quan điểm "dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ", từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, thụ động trong triển khai thực hiện chương trình.
Các bước triển khai đồng bộ
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, của toàn xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực sự tạo ra không khí thi đua phấn khởi tại khắp các địa phương. Trong đó, triển khai hiệu quả việc thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại được hoàn thiện, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, hướng đến đồng bộ hơn, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt. Đặc biệt, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, coi đây là động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Hà Nam đã hỗ trợ trên 318.000 tấn xi măng để thực hiện bê tông hóa được trên 1.900 km đường giao thông thôn, xóm; 500 km đường trục xã; hỗ trợ đá cấp phối để cứng hóa trên 1.000 km đường trục chính nội đồng. Các địa phương đã tập trung kiên cố được trên 100 km và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai tại chỗ trên địa bàn; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường học và triển khai xây dựng, sửa chữa nâng cấp đưa vào sử dụng 3.010 phòng học các cấp; triển khai xây mới, nâng cấp đưa vào sử dụng 32 nhà văn hóa xã và 451 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xóm.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, UBND tỉnh Hà Nam đã công nhận 98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% số xã, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 50% số xã) và Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới gồm Duy Tiên, Thanh Liêm, Kim Bảng và TP Phủ Lý.
Nâng cao mức sống cho người dân
Cùng với đó, Hà Nam cũng chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết, đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 656,22 ha. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, bảo đảm các nghề phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, các cấp, các ngành cùng với các cơ sở, trung tâm đào tạo nghề trong toàn tỉnh đã phối hợp và tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 60.000 lao động nông thôn. Cùng với đó, các địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp và phát triển các hình thức sản xuất.
Các hình thức tổ chức phát triển kinh tế trong nông thôn đã phát triển tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. 100% số HTX nông nghiệp được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; thành lập mới 41 HTX theo mô hình ít thành viên và các tổ hợp tác tham gia sản xuất nông sản an toàn làm vệ tinh liên kết chuỗi giá trị, hoạt động của các HTX ngày càng hiệu quả; nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành tại các địa phương như mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa giống, lúa chất lượng, cây hàng hóa vụ đông, dưa chuột, liên kết trong tổ chức sản xuất rau sạch, an toàn được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư hiệu quả. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết ở Hà Nam đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn về đầu tư sản xuất trên tổng diện tích 656,22 ha.
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư, tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp và từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân. Nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt bằng việc ban hành Nghị quyết, kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, cùng với sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan tiếp tục được nâng cao. Các khu dân cư tập trung đều có các tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật... do cộng đồng thành lập, hoạt động theo hình thức tự nguyện, tự trang trải kinh phí hoạt động.
Tỉnh Hà Nam xác định, xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, người dân là chủ thể. Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng NTM theo hướng nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí. Xây dựng NTM Hà Nam có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân. Ðồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông sản làm vệ tinh liên kết chuỗi với các cơ sở, các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ðẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, ổn định có thu nhập cao cho người dân; phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; không ngừng củng cố hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Phấn đấu hết năm 2020, tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 0,65%; các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí NTM bảo đảm bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam