Thị trường

Hà Nội: Hơn 10.000 cây cam được cấp 'chứng minh thư điện tử'

Trong khi con người vẫn chỉ sử dụng chứng minh thư thông thường khá bất tiện cho việc truy cứu dữ liệu thì nhiều loại cây, con đã được cấp 'chứng minh thư điện tử', chỉ cần giơ điện thoại có kết nối mạng ra là thấy rõ cả phả hệ, tông tích….

Khó có thể nhập nhèm

Khi tiết trời Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu cũng là lúc những hộ dân tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) tất bật với những quả cam chín mọng. Những đặc điểm thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng và sự cần cù của người dân địa phương đã tạo nên thương hiệu Cam Xuân Canh nức tiếng gần xa.

Hơn 10.000 gốc cam Xuân Canh được gắn mã truy xuất nguồn gốc.

Toàn xã hiện có tới 23 ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc cam đang được chăm sóc trong đó có hơn 10.000 cây đã cho quả và có thể thu hoạch vào tháng 10 năm nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Canh cho biết: “Dự kiến sản lượng cam Xuân Canh năm nay sẽ đạt khoảng 250 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành công này sẽ mang lại cho mỗi hộ dân thu nhập bình quân lên tới 500 triệu đồng”

Cam Xuân Canh có hương thơm nhẹ, vị ngọt đậm đà và mẫu mã đẹp nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, tại Xuân Canh, phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa trong hoạt động canh tác, thay vào đó người dân chuyển dần sang sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.

Sự thay đổi trên, một mặt đảm bảo năng suất cây trồng và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mặt khác giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người bà con nông dân trong quá trình làm vườn. Vì vậy, thương hiệu cam Xuân Canh được người tiêu dùng đặc biệt tin tưởng và lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm cam địa phương chất lượng cao, thị trường nông sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những loại cam không rõ xuất xứ với giá dao động từ 15.000- 70.000 đồng/kg. Trên thực tế, không phải ai cũng biết cách nhận diện chính xác đâu là cam ngon và sạch.

Vì vậy, chính quyền huyện Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam của Xuân Canh. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.

Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản được huyện Đông Anh triển khai bắt đầu từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Hiện nay trên toàn xã có khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã ra quả và được gắn mã vạch.

Theo ông Hoàng Văn Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Xuân Canh, sau khi đăng ký gắn mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, các chủ vườn sẽ được cấp tài khoản quản trị để cập nhật thông tin về nông sản.

Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình của cam Xuân Canh, từ khi cây mới ra hoa cho tới khi được đóng hộp xuất ra thị trường, thậm chí cả việc cây sử dụng phân bón gì và bón ngày bao nhiêu cũng được hiển thị tại đây.

Toàn bộ thông tin trên đều được công khai, minh bạch, không ai có thể thay đổi được. Hệ thống cũng sẽ tự định vị vị trí nơi sản xuất để đảm bảo thương hiệu của cam Xuân Xanh không bị làm giả.

Sau khi dán mã truy nguồn gốc, cam Xuân Canh bán ra thị trường với giá buôn khoảng 25.000 đồng/kg và từ 40.000- 50.000 đối với bán lẻ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các thông tin về nông sản cũng được cập nhật trên Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hn.check.net.vn/.

Sản phẩm cam Xuân Canh được cập nhật trên trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội.

Theo bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh), Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), so với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống là ghi chép bằng tay và lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, việc truy xuất nguồn gốc bằng mã QR tiện lợi và đầy đủ thông tin hơn rất nhiều.

Sắp tới, Hợp tác xã và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QR trên các mặt hàng nông sản khác như quất cảnh, cà chua, khoai tây, khoai lang…

Giấc mơ xuất ngoại

Từ bao đời nay, xuất xứ của sản phẩm vẫn luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời buổi thật giả lẫn lộn vấn đề này lại càng quan trọng. Hiện nay trên thị trường, chỉ nói riêng cam đã có tới cả chục loại khác nhau, gồm cả cam của các địa phương lẫn cam nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, vì vậy việc minh bạch thông tin xuất xứ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Về phía doanh nghiệp và bà con nông dân, việc hướng tới sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu để quản lý tình trạng từng cây cam và tiến độ phân phối của cam trên thị trường. Sự tin tưởng của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao uy tín của thương hiệu cam Xuân Canh.

Việc gắn mã truy xuất nguồn gốc còn là bước đi quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của cam Xuân Canh trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, thị trường các nước trong khu vực yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của nông sản và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Cam Xuân Canh có hương thơm nhẹ, vị ngọt đậm đà và mẫu mã đẹp nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Cụ thể, từ đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đối với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì yêu cầu còn cao hơn nữa.

Trên thực tế, công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Vì vậy khi triển khai cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện các thao tác truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị điện tử còn khá mới mẻ và khó khăn đối với người dân ở các vùng nông thôn, kinh tế chưa phát triển.

Bên cạnh đó, trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có tính năng song ngữ, đây là một hạn chế đối với nông sản Việt khi xuất sang thị trường nước ngoài.

Nhìn chung, dù mới triển khai nhưng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người nông dân và người tiêu dùng. Những thành công từ mô hình cam Xuân Canh là cơ sở tiền đề và bài học kinh nghiệm để các HTX khác trên cả nước áp dụng và phát triển cho nông sản của địa phương.

Theo Phương Anh/Nông nghiệp Việt Nam

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo