Hà Nội: Lão nông nuôi cá thành công nhờ nhiều lần nằm vật ở bờ ao
Học hỏi để làm giàu
Gặp lão nông vào một sáng trời thu, qua trò chuyện, tôi thấy ý chí quyết tâm và sự ham học hỏi toát ra từ người đàn ông với dáng vẻ nhỏ nhắn này.
Từ những ngày nuôiquảng canh đến nuôi cá bằng ao xây gạch và hiện tại là 5ha ao cá được xây dựng kiên cố, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, cả hành trình đó, khó khăn kể hoài không hết. Ông Hùng từng nhiều lần nằm vật ở bờ ao vì chán nản, tưởng đã bỏ cuộc nhưng sự quyết tâm bền bỉ đã vực người nông dân này dậy và tiếp tục con đường làm giàu từ nuôi thủy sản.
Bươn trải khắp nơi, trải qua nhiều nghề, từ một ông giáo dạy học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thường Tín đến người phụ bếp bán phở nơi “đất khách quê người”. Ông cười xòa nói, vì “đóithì đầu gối phải bò”. Cuối cùng ông quay về chốn quê và bắt đầu nuôi thủy sản từ năm 2004. Diện tích ao nuôi thủy sản được nhân rộng. Hiện ông Hùng đang có 5ha trong đó 1ha thuộc sở hữu của ông còn lại thuê lâu dài của người thân trong gia đình.
Ông Hùng kể lại: “Ngày trước, cấy 1 mẫu (ha) ruộng, cả nhà 4 người làm vất vả mà không để ra được đồng nào. Bây giờ 5 ha, trừ những lúc bán cá ra còn ngày thường chỉ có một mình tôi làm mà mỗi năm lại cho lãi 300-400 triệu. Đó cũng là lý do khiến tôi luôn trăn trở tìm phương pháp nuôi cá theo công nghệ mới nhất để đạt được hiệu quả cao, bền vững”.
Vừa dắt tôi đi thăm ao, ông Hùng kể với giọng rất tự hào về sức lao động và chất xám mình đã bỏ ra cho 5ha ao. Ngoài đầu tư các guồng tạo khí oxy cho cá ông còn sang các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương tìm hiểu về kỹ thuật và sắm mỗi ao một chiếc máy đánh sóng. Chiếc máy này không chỉ giúp cung cấp oxy cho cá mà còn hạn chế được hiện tượng tích tụ tảo độc, tảo lam kết thành bè trên mặt ao nuôi. Ngoài ra khi máy đánh sóng hoạt động mạnh sẽ làm cho chất bẩn, thức ăn dư thừa được gom lại vào bờ từ đó dễ dàng vệ sinh ao nuôi.
Nhờ tinh thần học hỏi không ngừng, ông Hùng nắm chắc được kỹ thuật nuôi, rủi ro thấp và lãi cao hơn: “Những năm đầu tiên bắt tay vào làm thủy sản, tôi thả cá thưa nên không cần hỗ trợ từ các thiết bị nổi trên bờ, bởi đó mà năng suất và lãi không cao. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của các guồng tạo khí và máy đánh sóng tôi thả cá với mật độ dày hơn, đem lại hiệu quả cao hơn”.
Anh Thuyên-cán bộ khuyến nông huyện Ứng Hòa cho hay: “Bác Hùng còn sang các tỉnh khác học hỏi phương pháp nuôi cá nhằm hạn chế rủi ro. Bác chính là hộ dân đi đầu trong việc xây dựng ao chống tràn nên vào mùa mưa lũ không lo bị tràn ao”.
Nuôi cá sạch, bảo vệ môi trường
Đang loay hoay tìm tòi phương pháp nuôi cá sạch và bền vững ông Hùng nhận được thông tin về chương trình “Nuôi thủy sản theo hướng VietGAP” của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội với nội dung các hộ nuôi sẽ được hỗ trợ 50% giống, nguồn thức ăn và chế phẩm sinh học. Như “cá gặp nước”, ông Hùng liền mạnh dạn đăng ký.
Được các cán bộ khuyến nông hỗ trợ tận tình, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi theo hướng VietGAP, ông Hùng phải thay đổi toàn bộ quy trình, cách chăm sóc cá: “Nuôi theo hướng VietGAP buộc tôi phải đặc biệt lưu ý xử lý môi trường, có thói quen ghi chép nhật ký nuôi từ khi cấp giống, thức ăn, bệnh tật, chữa trị, số cân và lãi sau khi trừ chi phí”.
Ông được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi cá, đây là dược phẩm có tác dụng phòng bệnh, không có tác dụng chữa bệnh. Nó được ví như men tiêu hóa để phân hủy các chất thải dưới đáy ao. Chế phẩm có dạng bột, người nuôi hòa với nước té trên mặt ao định kỳ mỗi tuần 1 lần. Mỗi tháng, 1 ha ao mất từ 3-4 triệu tiền xử lý môi trường.
Không để đất trống, trên bờ ông trồng mướp sớm, mướp trái mùa cho thu nhập cao, xung quanh bờ ông cũng trồng thêm cỏ làm thức ăn bổ sung cho cá hàng ngày. Trong hơn 5ha ao, ông Hùng nuôi 80% cá chép, 20% cá trắm, thức ăn chính là cám và cỏ được trồng trên bờ.
Một ngày của ông Hùng bắt đầu từ 5h sáng, mở đầu là công việc chuyển cám từ kho ra bờ ao đổ vào các máy cho ăn tự động, sau đó bật máy cho cá ăn và theo dõi tình hình của cá, đều đặn vào 3 khung giờ cố định trong ngày. Thời gian còn lại ông cắt cỏ trên bờ cho cá ăn thêm, cỏ được cắn bằng máy nên giúp ông tiết kiệm được sức lực. Khép lại 1 ngày làm việc của ông Hùng vào lúc 17h tối, khi cho cá ăn bữa cuối trong ngày.
Nuôi cá theo hướng VietGAP phải tuân thủ 4 “định”: Vị trí ăn cố định, đúng định lượng thức ăn, giờ ăn cố định và chất lượng cám cố định (ổn định). Một ngày cho ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định: Sáng 8-9h, trưa: 12-13h, chiều: 16-17h. Tùy theo thời tiết và sức ăn của con cá, người nuôi sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Ông Hùng cho biết, những chất cấm trong thủy sản nếu sử dụng mà cán bộ khuyến nông phát hiện, hộ nuôi sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng.
Hỏi về thất bại trong 15 năm làm thủy sản, ông Hùng liền bộc bạch: “Mới đây tôi bị thiệt hại hơn 2 tấn trắm do mất pha điện vào ban đêm khiến cá ngạt, chết nổi trắng mặt ao. Rủi ro không lần nào giống lần nào, có lúc chán nản, nằm vật ra bờ ao bởi vừa bán cá xong đã phải đi vay tiền trả nợ cho chủ cám, lỗ nặng”. Nhưng vài năm gần đây, khi kinh nghiệm đã nắm chắc trong tay, ông Hùng nuôi cá yên tâm hơn, kinh tế gia đình ổn định.
Mục đích của việc nuôi cá theo hướng VietGAP năm 2019 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nhằm nâng cao ý thức quản lý môi trường nước trong nuôi thủy sản, phát triển ngành nuôi thủy sản một cách bền vững; Nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người nuôi; Tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể truy nguyên nguồn gốc sản phẩm; Mô hình là nơi tham quan, học tập cho các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô và cả nước.
Theo Hà Thị Hiền/Nông nghiệp Việt Nam
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024