Hà Nội: Lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão tăng 15% - 30%
Thuế môi trường xăng dầu sẽ đẩy giá hàng hóa Tết? / Hàng hóa Tết được đảm bảo chất lượng không lo về giá
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, năm 2022, các hoạt động thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, văn hóa, thể thao tại Thủ đô được đẩy mạnh đã góp phần tăng trưởng ngành dịch vụ đạt 10,06%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm ước tính tăng 25,2% so với năm trước, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 14,9%; thu hút khách du lịch gấp 2,4 lần năm 2021.
Riêng tháng 12/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thành phố Hà Nội ước tính đạt 65,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính quý IV/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cho người dân Thủ đô đạt 188,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với quý trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
“Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Hà Nội đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 452,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng mức và tăng 17,4% so với năm trước”, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết.
Về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các doanh nghiệp đã xây dựng và tổ chức khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng từ 15% - 30% so với kế hoạch Tết 2022.
Ước tính tổng lượng hàng hoá dự trữ của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán trị giá khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022.
Đến nay, thành phố đã triển khai tổ chức các hoạt động phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, trên 2.000 cửa hàng tiện ích, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, kết nối với 926 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các kênh bán hàng đa phương tiện khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại (hotline), website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.
Hà Nội tổ chức hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp; 90 điểm bán sản phẩm OCOP và 91 điểm chợ Hoa Xuân phục vụ Tết.
“Thành phố hỗ trợ giới thiệu trên 2.500 sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội, đồng thời kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố trên 420 nghìn tấn hàng hóa. Tăng cường 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp để bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết.
Đồng thời chỉ đạo không để đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa, khiến giá cả bị đẩy lên cao; bảo đảm nguồn hàng phong phú, đa dạng, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết”, Cục Thống kê thành phố Hà Nội khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines