Hải quan TP.HCM tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả EVFTA
Đó là ý kiến của ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đưa ra tại Tọa đàm “Cục Hải quan TP.HCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA” diễn ra tại TP.HCM.
TP.HCM được đánh giá là thành phố năng động nhất cả nước, đứng thứ 3 Đông Nam Á (theo đánh giá xếp hạng của JLL), với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ qua các năm. EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của TP.HCM, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu thứ 2 của TP.HCM, với kim ngạch song phương từ đầu năm đến nay đạt 15,44 tỷ USD.
Việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa TP.HCM tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU, mang lại nhiều cơ hội và lợi thế cho doanh nghiệp thành phố.
TP.HCM thực hiện hiệu quả kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa với các tỉnh thành để mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhằm tạo điều kiện cho hơn 50.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu TP.HCM có thể tận dụng tối đa các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, thời gian qua, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực thực, đồng thành cùng doanh nghiệp thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Theo Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi từ 1/8/2020, để giúp doanh nghiệp tiếp cận ngay các ưu đãi từ hiệp định, Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai ngay các kế hoạch hành động thực hiện hiệp định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
Cùng với đó tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, an toàn, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua thị trường EU…
Tuy nhiên, theo ông Đinh Ngọc Thắng, theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi thực hiện hiệp định EVFTA, số thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP.HCM nói riêng và ngành Hải quan nói chung sẽ giảm (số thu nộp ngân sách hàng năm của Cục Hải quan TP.HCM chiếm gần 40% toàn ngành). Cụ thể, theo tính toán, số thu nộp ngân sách của đơn vị giảm từ 500-1.000 tỷ đồng trong 3 tháng tới. Xu hướng trong tương lai, Việt Nam sẽ gia tăng thu hút đầu tư FDI và thu nội địa.
Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết sẽ tạo mọi điệu kiện cho doanh nghiệp thực thi EVFTA.
Theo đó, trong thời gian tới mục tiêu của Cục Hải quan TP.HCM là xây dựng công tác hỗ trợ doanh nghiệp, chống buôn lậu gian lận thương mại, phát huy tối đa vai trò người gác cổng trong hoạt động xuất nhập khẩu.
“Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các ưu đãi mà EVFTA đem lại, Cục Hải quan thành phố đã chủ động xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước và sau khi hiệp định có hiệu lực. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Qua đó kịp thời nắm bắt, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế và thủ tục hải quan… Để kiến nghị, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, tiếp tục giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và bình đẳng”, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM cũng chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa hải quan, nâng cao năng lực cán bộ công chức Hải quan theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin 4.0 nhằm nâng cao công tác quản lý điều hành. Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cam kết của Tổ chức Hải quan thế giới…
Chia sẻ về công tác hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Hải quan, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đánh giá việc EVFTA thực thi là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Theo ông thành, để Hiệp định EVFTA thật sự đi vào cuộc sống, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã soạn thảo dự thảo Nghị định, Thông tư, biểu thuế ưu đãi trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành. Ngày 8/9/2020, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA tại Quyết định số 2298/QĐ-TCHQ.
“Cơ quan Hải quan đặc biệt nhấn mạnh bốn nhiệm vụ trọng tâm đó là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các nội dung cam kết; tập huấn cho các cán bộ nghiệp vụ; cung cấp nội dung thông tin giới thiệu về cam kết có liên quan đến hải quan trong EVFTA để đưa lên Cổng thông tin điện tử; triển khai các cam kết liên quan tới hải quan trong hiệp định”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ.
Theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, để hàng hóa tiếp cận được thị trường EU thì quy tắc xuất xứ, quy định kỹ thuật là những yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, nhất là trong lĩnh vực thủy hải sản.
“Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là thách thức cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang EU. Cơ quan quản lý chuyên ngành cũng phải nắm vững điều này để hỗ trợ doanh nghiệp. Chưa kể, các nhà nhập khẩu Châu Âu quan ngại cả về giới và bình đẳng giới.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề này để điều chỉnh cho phù hợp. Tôi cho rằng sẽ có làn sóng mới đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam trong thời gian tới, vì nhiều tập đoàn đã có ý định sang Việt Nam mở rộng đầu tư sau khi EVFTA có hiệu lực”, ông Nicolas Audier nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024