Thị trường

Hàng loạt cơ sở kinh doanh thiết bị y tế bị kiểm tra, xử phạt số tiền "khủng"

DNVN - Số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, trong ngày 31/3/2020, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, giám sát 57 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, xử lý 14 cơ sở với tổng số tiền phạt lên tới 97.000.000 đồng.

Hải Dương: Phạt tiền 1 cơ sở kinh doanh khẩu trang vi phạm quy định sản xuất / Phạt gần 35 triệu đồng các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế

Theo Tổng cục QLTT, lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 31/03/2020 kiểm tra, giám sát, xử lý 7.429 cơ sở, nâng tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 3,04 tỷ đồng.
Điển hình tại An Giang, ngày 31/3/2020, qua kiểm tra 01 trường hợp vận chuyển hàng hóa, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 phát hiện và tạm giữ 25.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp nhãn hiệu Vinh Quang Mask có nhãn không ghi đủ, ghi không đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa để tiếp tục xử lý theo quy định.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 30/3/2020, Đội QLTT số 9 kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ N.Y.C, địa chỉ: 443/1 đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B, Quận 9. Tại đây đang sản xuất gel rửa tay khô, loại 90ml/chai không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định; không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định. Đội lập biên bản tạm giữ 1.632 chai gel rửa tay khô thành phẩm không có hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và 30 lít gel rửa tay khô nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ để xử lý.
Trong ngày 31/3/2020, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kết thúc xử lý 02 vụ, phạt tiền 77.500.000 đồng, buộc tiêu hủy 1.200 chai nước rửa tay khô. Trong thời gian tới, Cục QLTT thành phố tiếp tục chỉ đạo các Các Đội QLTT chủ động quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hành hóa nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại...; các hành vi thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với nhóm mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch COVID-19 và chữa bệnh.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm