Thị trường

Hé lộ lợi nhuận tỷ USD của 4 ngân hàng lớn

Bức tranh kinh doanh ngân hàng tiếp tục được hé lộ với mức lợi nhuận vượt 1 tỷ USD của các ngân hàng lớn.

Việt Nam có thể bứt phá tăng trưởng công nghiệp vào 2025 / Đà Nẵng: Cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại VietinBank Chi nhánh Ba Đình. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố kết quả kinh doanh mới nhất, cho thấy các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch mà Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông đã giao.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng năm 2024 ghi nhận mức 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm trước đó. Các chỉ số sinh lời và an toàn tài chính được duy trì ổn định, với ROA đạt 1,02%, ROE đạt 19,09% và hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 8,6%.

Bên cạnh đó, các công ty con, liên doanh và liên kết của BIDV cũng duy trì hiệu quả kinh doanh ổn định. Lợi nhuận trước thuế từ khối công ty con đạt 1.253 tỷ đồng, trong khi khối liên doanh và liên kết đóng góp 1.362 tỷ đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận hợp nhất của BIDV trong năm 2024 được ước tính vượt 31.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại tính đến cuối năm 2024 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 100 tỷ USD), tăng trưởng 19,4%, duy trì vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 13,1%, trong khi dư nợ tín dụng đạt hơn 2,01 triệu tỷ đồng, tăng 15,3%, chiếm 13,1% thị phần tín dụng, dẫn đầu thị trường.

Chất lượng tín dụng được quản lý chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,3%, đáp ứng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 133%, phản ánh khả năng kiểm soát rủi ro hiệu quả của ngân hàng.

Vốn chủ sở hữu của BIDV đạt 136.320 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước. Giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng đạt 259.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,6%, tiếp tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm 2024, BIDV hoàn tất tăng vốn điều lệ lên mức 68.975 tỷ đồng, đồng thời nộp ngân sách nhà nước 9.412 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tương tự tại Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank), dù chưa công bố số liệu lợi nhuận cụ thể, song tin mới nhất từ ngân hàng này cho biết quy mô tổng tài sản của VietinBank tăng trưởng 17%; doanh thu tăng trưởng tích cực, lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2024, Hội đồng quản trị của VietinBank đã chốt con số kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2024 với mức tăng trưởng dự kiến 8,7% so với năm trước, tương đương lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng (vượt 1 tỷ USD).

Cũng theo VietinBank, dư nợ tín dụng trong năm qua tăng trưởng 16,88% so với năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung toàn ngành ngân hàng và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt cả năm. Tổng nguồn vốn huy vộng đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2023. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng đột phá 30% so với bình quân năm 2023. Tỷ trọng CASA đạt 24,1% vào cuối năm 2024, hỗ trợ cải thiện chi phí vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh của VietinBank.

Năm 2024, VietinBank nộp ngân sách Nhà nước 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023 và luôn nằm trong Top 10 doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước cao nhất.

Trước BIDV và VietinBank, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ cho năm 2024. Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng hơn 8% so với năm trước đó, ước đạt 27.927 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, tăng thêm 200.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 10% so với năm trước. Dư nợ tín dụng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, vượt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 170.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 11%. Song song đó, huy động vốn của ngân hàng vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 140.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 7,5%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm còn 1,56%, đảm bảo theo định hướng kiểm soát rủi ro của ngân hàng. Ngân hàng cũng đã xử lý gần 138.000 tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn từ 2021 đến 2024 và đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 1% vào năm 2025. Trong năm qua, Agribank đã nhận được khoản bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng.

Như vậy đến thời điểm này, trong nhóm các ngân hàng quốc doanh, chỉ còn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2024. Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025 diễn ra vào giữa tháng 12/2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho biết ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Dự kiến hết năm 2024, Vietcombank đạt tăng trưởng tín dụng ở mức 13%, với quy mô dư nợ đạt 1,4 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng ước đạt gần 2 triệu tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ dưới mức 1%.

Trước đó, báo cáo kinh doanh 9 tháng cho thấy lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 31.533 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm 2024. Với kết quả này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm