Thị trường

HimLamBC có đủ năng lực thực hiện dự án nghìn tỷ trên “đất vàng” công viên Thủ Lệ?

DNVN - Với nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20% tổng mức đầu tư dự án, kinh nghiệm của HimLam BC trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cũng không có gì nổi bật, dư luận đang đặt câu hỏi về việc doanh nghiệp này có đủ năng lực để triển khai dự án nghìn tỷ trên “đất vàng” công viên Thủ Lệ?
Bãi đỗ xe ngầm hay trung tâm thương mại?
Công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ năm 1975, có diện tích hơn 28ha, trong đó có 6ha hồ nước cùng các công trình kiến trúc quy mô nhỏ, thấp tầng, vườn hoa, công trình văn hoá tâm linh….
Là công viên cây xanh, vườn thú với diện tích hồ nước lớn, công viên Thủ Lệ được ví như “lá phổi xanh” của thủ đô Hà Nội.
Phần giá trị nhất của công viên Thủ Lệ cũng là khu đất “vàng” đắc địa rộng lớn hiếm hoi còn sót lại ở nội đô Hà Nội chưa bị “cao ốc hoá” mà nhiều đại gia bất động sản thèm muốn sở hữu…
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có quyết định chấp thuận cho Công ty CP đầu tư HimLamBC đầu tư dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại Công viên Thủ Lệ.
Vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm.

Vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm.


Theo đó, diện tích đất xây dựng bãi đỗ xe ngầm là hơn 16.000 m2. Khu vực dịch vụ phụ trợ, kết nối không gian ngầm rộng hơn 600 m2. Tổng diện tích sàn xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000 m2 bao gồm 5 tầng hầm và một tầng kỹ thuật.
Tầng hầm một diện tích sàn hơn 16.000 m2, chiều cao 5,4 m với chức năng chính là không gian thương mại, dịch vụ và gara đỗ xe trong đó phần thương mại, dịch vụ, nhà hàng khoảng 12.500 m2, gara đỗ xe gần 1.800 m2.
Tầng hầm 2, 3 có cũng công năng, gồm hơn 10.500 m2 gara đỗ xe; 4.600 m2 khu vực dịch vụ. Tầng hầm 4, 5 có diện tích nhỏ hơn, khoảng 11.300 m2, chức năng chính là gara đỗ xe.
Như vậy, dự án này không chỉ là bãi đỗ xe ngầm mà một phần diện tích được bố trí vào mục đích sử dụng làm không gian thương mại, dịch vụ, nhà hàng ẩm thực (12.480,4m2 tầng hầm 1; 4.625,3m2 tầng hầm 2 và 3)…
Điều này khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, dự án này thực chất là bãi đỗ xe ngầm hay trung tâm thương mại? Bởi mục tiêu đầu tư của dự án được nêu là nhằm đáp ứng nhu cầu về bãi đỗ xe ngày càng gia tăng và góp phần làm giảm tải cho hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô, nâng cao chất lượng giao thông khu vực, góp phần tạo cho bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại…
Trong khi đó, với diện tích dành cho các không gian thương mại, dịch vụ, nhà hàng ẩm thực tại dự án này đã khiến dư luận lo ngại rằng khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu gửi xe bao gồm cả khách tham quan vườn thú lẫn khách vào trung tâm thương mại, dịch vụ?
Hơn nữa, với sự xuất hiện của khu thương mại, dịch vụ tại dự án này, nhiều người lo ngại khu vực công viên, vườn thú sẽ càng trở nên lộn xộn, quá tải…
HimLamBC có được ưu ái?
Về Công ty CP đầu tư HimLamBC, theo các thông tin giới thiệu trên website http://himlambc.com.vn, doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở tại tầng 21, tòa nhà Captital Tower, số 109 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội.
HimLamBC được thành lập năm 2010, là đơn vị thành viên thuộc Công ty Cổ phần Him Lam. Theo giới thiệu, các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp này bao gồm: Vệ sinh nhà cửa và các công trình khác; dịch vụ chăm sóc và duy trì cảnh quan; quảng cáo; nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê...
HimLamBC cũng giới thiệu hiện đang đầu tư các dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội cùng với các đối tác uy tín, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản như Tập đoàn Aeon Mall, Công ty cổ phần Haseko, Công ty TNHH Fujiken, ...vv.
Tuy nhiên, dư luận lại tỏ ra hồ nghi năng lực cũng như kinh nghiệm của HimLamBC trong việc đầu tư thực hiện các dự án bất động sản. Bởi vai trò của doanh nghiệp này tại các dự án cụ thể như Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên hay Biệt thự cao cấp tiêu chuẩn Nhật Bản đều không được thể hiện rõ tại website của doanh nghiệp này.
Phối cảnh dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại công viên Thủ Lệ trên website của Him Lam BC.

Phối cảnh dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ tại công viên Thủ Lệ trên website của Him Lam BC.

Trở lại với dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Thủ Lệ, theo quyết định chấp thuận đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư là 1.779 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ là 351 tỷ đồng (chiếm 20%), 1.428 tỷ đồng (80% tổng vốn đầu tư) còn lại được xác định là vốn vay và huy động hợp pháp khác.
Điều này càng khiến dư luận băn khoăn bởi nếu HimLamBCmuốn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thì các ngân hàng cũng chỉ được phép tài trợ tối đa 70% vốn đầu tư dự án khi đã đủ các điều kiện pháp lý và giá trị tài sản đảm bảo phải bằng 150% khoản vay.
Đồng nghĩa với việc để vay được 80% vốn làm dự án này, tương ứng hơn 1.428 tỷ đồng thì HimlamBC sẽ phải thế chấp tài sản ước tính có giá trị nghìn tỷ đồng. Nếu không, doanh doanh nghiệp sẽ phải huy động nguồn vốn từ đâu để thực hiện dự án?
Như vậy, với nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20% tổng mức đầu tư dự án, bên cạnh đó là những hoài nghi về năng lực cũng như kinh nghiệm của HimLam BC trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, dư luận đang đặt câu hỏi về việc doanh nghiệp này có đủ năng lực để triển khai dự án?
Hơn nữa, với “hồ sơ” không có gì nổi bật, nhiều người cũng hồ nghi HimLamBC đang được ưu ái quá mức để thực hiện dự án bãi đỗ xe ngầm tại công viên Thủ Lệ?
Đáng chú ý, bên cạnh những ưu đãi theo quy định Nhà nước, HimLamBC còn được TP Hà Nội hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong vòng 10 năm đầu đối với diện tích bãi đỗ xe ngầm của dự án này.
Hàng loạt bãi đỗ xe ngầm "đắp chiếu" tại Hà Nội

Gần 10 năm qua, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng trong thành phố.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra chủ trương xây dựng 7 dự án bãi đỗ xe ngầm, gồm: tại Khu thể thao Quần Ngựa, tại Công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, quảng trường Ngân hàng Nhà Nước (quận Hoàn Kiếm), Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng). Tuy nhiên, đến nay tất cả các dự án này vẫn nằm trên giấy, trong khi nhu cầu đỗ xe ngày càng lớn.

Mới đây nhất, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng vừa đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Hiện tại, dự án này cũng đang vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân sinh sống xung quanh khu vực công viên Cầu giấy.
Hải Lan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo