Hòa Bình: Sức bật từ sản xuất an toàn ở Kim Bôi
Hiệu quả thiết thực
Thời gian qua, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Kim Bôi đã tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất bền vững, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn gắn với mở rộng thị trường.
Huyện đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân để xây dựng các chuỗi trồng bí đỏ lấy hạt với diện tích 84,7 ha; chuỗi mướp đắng lấy hạt 2,6 ha; chuỗi ngô ngọt 78,5 ha; chuỗi dưa chuột Nhật 15,3 ha, chuỗi ớt 4 ha… mở ra cơ hội lớn cho cho nông dân.
Các chính sách chuyển đổi cây trồng của huyện cũng đang phát huy hiệu quả cao. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, trong năm 2018, toàn huyện gieo trồng khoảng 3.437 ha rau, đậu các loại, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Với năng suất bình quân đạt 12-14 tấn/ha, sản lượng đạt 4,1 - 4,8 vạn tấn, loại cây này cho thu nhập khoảng 80 -130 triệu đồng/ha/vụ.
Đến nay, trên địa bàn huyện bước đầu hình thành các vùng sản xuất rau an toàn hàng hóa phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng. Điển hình như vùng sản xuất an toàn tại các xã Nam Thượng (diện tích 425 ha), Đú Sáng (420 ha), Vĩnh Đồng (160 ha), Hợp Kim (150 ha), Mỵ Hòa (145 ha), Nật Sơn (130 ha)…
Bên cạnh đó, trên đồng đất Kim Bôi còn có sự xuất hiện của các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi… Tính đến đầu năm 2019, tổng diện tích cây có múi toàn huyện đạt gần 1.300 ha, trong đó vùng sản xuất tập trung chủ yếu tại các xã Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bắc Sơn, Hùng Tiến, Kim Sơn…
Được thành lập năm 2012, HTX Bắc Sơn (xã Bắc Sơn) là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. 4 ha trồng cây thiên ngân, một loại cây lấy gỗ làm nguyên liệu giấy, có giá trị kinh tế cao gấp 10 lần cây keo, được HTX hỗ trợ về giống, vốn và kỹ thuật để phát triển.
Phát triển bền vững
Bên cạnh các loại cây lấy gỗ, phát triển vùng cây dược liệu cũng đang là một trong những hướng đi mới của HTX Bắc Sơn. Từ cuối năm 2016, HTX đã liên kết với các hộ dân trong xã trồng thí điểm 0,5 ha cây thần diêu, một loại dược liệu quý đang được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Ngọc Can – Giám đốc HTX Bắc Sơn, chia sẻ: “Để đảm bảo hiệu quả, HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch và liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài”.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo ATLĐ cũng đã và đang được HTX đặc biệt quan tâm. Đơn cử, trong quá trình trồng rừng, các hộ phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về sử dụng các loại máy móc như máy cắt cỏ, máy cưa gỗ, xe vận chuyển… đảm bảo hiệu quả công việc và ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Không chỉ tại HTX Bắc Sơn, các tiêu chuẩn về ATLĐ cũng đang được huyện Kim Bôi chú trọng nâng cao tại hầu hết các mô hình sản xuất trên địa bàn nhằm mang lại những giá trị bền vững cho người dân.
Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, ông Bùi Văn Dùm cho hay: “Những thành công trong sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hiệu quả liên kết “4 nhà” (chính quyền, nhà khoa học, HTX và doanh nghiệp, nông dân)...
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi tư duy sản xuất và cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo ATLĐ,… nhằm phát triển sản xuất bền vững, mang lại giá trị lâu dài cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024