Thị trường

Hơn 400 đơn vị mang công nghệ mới đến triển lãm quốc tế về ngành dệt may

(DNVN) - Hơn 600 gian hàng của 400 đơn vị đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ... đã tham dự Triển lãm Quốc tế lần thứ 18 về máy móc thiết bị công nghiệp và nguyên phụ liệu ngành Dệt may.


Sáng 21/11, Triển lãm Quốc tế lần thứ 18 về máy móc thiết bị công nghiệp và nguyên phụ liệu ngành Dệt may (Vietnam Textile & Garment – VTG 2018) đã chính thức khai mạc tại TP.HCM.

Sự kiện do Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ VINEXAD - Bộ Công Thương kết hợp Công ty dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers (Hong Kong), Phòng Thương mại thiết bị may Quảng Đông, Hiệp hội máy may Hong Kong (HKAMA) cùng tổ chức.


Các Doanh nghiệp Việt Nam đang tìm hiểu các công nghệ thêu

Triển lãm nhằm tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam nối kết với chuỗi công nghiệp dệt may quốc tế trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường dệt may toàn cầu.

Nhiều gian hàng, máy móc, nguyên phụ liệu trong ngành dệt may và da dày với các thương hiệu nổi tiếng như Bao Lun, Rich Peace, Tajima, ZSK, Heinz Walz, Epson, Grafica, Sulfet, Brother, Hikari, Juki, Yamoto… đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… đã xuất hiện trong triển lãm.

Nhiều khách nước ngoài quan tâm đến hàng da giày Việt Nam

Năm 2018 doanh thu xuất khẩu ngành dệt may đạt mốc 19.4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhiều tập đoàn dệt may đã duy trì tăng trưởng ổn định thông qua việc hợp tác với các khách hàng hiện tại. Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) đã tạo ra các hiệu ứng tốt cho ngành dệt may.

Ngành da giày của Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng với các thương hiệu giày da danh tiếng. Số lượng xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 7.4% khối lượng xuất khẩu toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.

Các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Nike, Adidas The North Face, Timberland, Columbia…đều do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 700 nhà sản xuất, 1.5 triệu công nhân tham gia vào lĩnh vực giày dép, hơn 200 doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 70% vào doanh số xuất khẩu giày dép.

Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh trong khu vực “một vành đai-một con đường”, số lượng xuất khẩu đạt 6.5 tỷ USD năm 2011, tăng lên 13 tỷ USD trong vòng 6 năm và dự kiến đạt 20 tỷ USD trong năm 2018.

Trong khuôn khổ triển lãm, nhiều hội thảo chuyên đề trong ngành dệt may được tổ chức với sự tham gia của nhiều diễn giả từ các sở, ban ngành, hiệp hội nước ngoài, các trường đại học.

Triển lãm Vietnam Textile & Garment – VTG 2018 đến hết ngày 24/11/2018:


Minh Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo