Thị trường

Hưng Yên: Chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày một nâng cao; cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển khang trang, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn.

Xác định xây dựng NTM là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh, ngay khi bắt tay vào thực hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương.

Huy động sức mạnh tổng hợp

Từ năm 2011 đến tháng 9/2019, toàn tỉnh huy động xây dựng NTM được gần 64 nghìn tỷ đồng. Trong đó, huy động từ cộng đồng dân cư giai đoạn từ 2011 - 2015 chiếm 77,33%; giai đoạn từ 2016 đến tháng 9/2019, nhân dân đóng góp chiếm 58,62%. Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 141/145 xã (đạt tỷ lệ 97,2%) đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào); huyện Văn Giang và TP Hưng Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thị xã Mỹ Hào nhìn từ trên cao

Phong trào xây dựng NTM như một luồng sinh khí mới, tạo ra những bước nhảy vọt, vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ vào sản xuất, cơ cấu kinh tế các xã chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững… đã góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Theo ước tính, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong tỉnh đạt 45 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2,0%, giảm 4,81% so với năm 2015; giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 192 triệu đồng/năm, tăng 1,28 lần so với năm 2015. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cũng đang phát triển mạnh. Diện mạo NTM tại các xã trong tỉnh đang đổi thay từng ngày.

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. “Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về NTM được tăng cường. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân. Từ xã đến thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, y tế… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đời sống vật chất, thu nhập của người dân nông thôn được nâng lên và thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình đến điều kiện ăn ở. Sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM đến nay đạt tỷ lệ cao”, ông Quang nói.

Tiếp tục phát huy

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, gắn kết cộng đồng với một ý chí quyết tâm mạnh mẽ để thay đổi, để tiến bộ trong nhận thức, việc làm của từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi, hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, dân sinh. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng đều qua các năm; môi trường, cảnh quan nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa không ngừng phát triển; phát huy tốt những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Hạ tầng nông thôn ở Hưng Yên ngày càng hoàn thiện khang trang

Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua, những năm tiếp theo, Hưng Yên đặt mục tiêu phấn đấu cụ thể cho giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt tiêu chí NTM nâng cao; 10 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu;10 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; 100% số huyện, thành phố, thị xã cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM... Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu có 30% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí mới; 20% số xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu; 20% số khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu có 50% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí mới; 30% số xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu; 40% số khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; phổ biến những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt trong phong trào xây dựng NTM; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các cấp chính quyền địa phương; xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách như khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư nhằm khai thác tối đa các nguồn lực cho xây dựng NTM... Đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao hơn; ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, các quy trình công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với công nghệ chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm lợi thế của địa phương...

Theo Phương Nam/Thời báo Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo