Hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 71,5% sản lượng
17 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phát điện thương mại lên lưới / Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nền kinh tế đang phát triển về thu hút FDI vào năng lượng tái tạo
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa bảo đảm thực hiện các cam kết tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP). Đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm về thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế…
Đây đều là những mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức. Đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất. Xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
“Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất. Thực hiện các giải pháp về quản lý, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cùng với đó là sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính đang được áp dụng ở Việt Nam”, ông Văn nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, bộ đã ban hành kế hoạch hành động của ngành để ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Theo đó, chuyển đổi xanh bao gồm chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch. Phát triển năng lượng tái tạo phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành xây dựng.
Hiện là thời điểm để các lĩnh vực phát triển của quốc gia cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn, vượt qua các rào cản. Cùng nhau hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh cũng đã sớm định hướng cùng với tăng trưởng kinh tế là quan tâm đến bảo vệ môi trường. Quan tâm đến văn hóa xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Bắc Ninh đã thể hiện quan điểm phát triển bền vững, kinh tế xanh trong các nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm.Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Đó là những hạn chế liên quan đến vấn đề ô nhiễm công nghiệp làng nghề, chuyển đổi công nghệ cao, công nghệ sạch của doanh nghiệp…
Theo Tổng Biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng, Chính phủ đã chủ động, tích cực tham gia vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức Net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Mục tiêu này nhằm ngăn chặn những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu và bảo tồn một hành tinh có thể sống được.
"Để đạt mức này, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net zero vào năm 2050. Đây là một mục tiêu lớn cần nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững", ông Dũng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo