Thị trường

Hướng tới chấm dứt sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vào năm 2025

DNVN - Chiều ngày 29/11, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo kỹ thuật chuyên sâu về chăn nuôi. Hai bên chia sẻ kiến thức để hướng tới chấm dứt sử dụng kháng sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi.

7 loại thực phẩm giá rẻ bèo là ''kháng sinh tự nhiên'' giúp chống viêm hiệu quả / Cách chọn thịt lợn sạch, an toàn không tồn dư thuốc kháng sinh

Hội thảo kỹ thuật chuyên sâu về chăn nuôi với chủ để “Hướng tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng kháng sinh nhằm mục đích kích thích tăng trưởng và phòng bệnh trong chăn nuôi ở Việt Nam vào năm 2025: thách thức và giải pháp trong dinh dưỡng vật nuôi từ kinh nghiệm của chuyên gia Pháp” là sự tiếp nối thành công của hội thảo đầu tiên được tổ chức vào năm 2022 giữa Việt Nam và Pháp.

Hội thảo đã giúp xác định rõ hơn nhu cầu của các trang trại chăn nuôi Việt Nam, giới thiệu các thành công của Pháp và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước để phát triển các giải pháp thay thế cho kháng sinh, với mục tiêu kép là khả năng cạnh tranh và tính bền vững.

Hội thảo Việt - Pháp về giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Ảnh: Hà Anh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Việt Nam cũng như Pháp, chăn nuôi phải đối mặt với một thách thức lớn là giảm sử dụng kháng sinh để duy trì hiệu quả điều trị. Đây là vấn đề toàn cầu đối với sức khỏe con người và động vật, đòi hỏi phải áp dụng cách tiếp cận “một sức khỏe”.

Việc sử dụng kháng sinh cẩn thận và có trách nhiệm của bác sĩ thú y và người chăn nuôi sẽ hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh ở vật nuôi.

“Với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin rằng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Sự chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác Pháp sẽ giúp cho các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng trong bối cảnh ngành nông nghiệp của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Liêm nhấn mạnh.

Ông Vũ Thanh Liêm cho rằng, chăn nuôi đang đối mặt với thách thức lớn là giảm sử dụng kháng sinh để duy trì hiệu quả điều trị. Ảnh: Hà Anh.

Bà Cécile Vigneau - Phó Đại sứ quán Pháp khẳng định, năm 2024 và 2025 sẽ được đánh dấu bằng sự tham gia mạnh mẽ của Pháp vào dự án cụ thể đầu tiên được triển khai tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Tổ chức Cirad như một phần của sáng kiến Prezode (Một sức khỏe - tiếp cận tối ưu chống dịch bệnh từ động vật sang người).

“Tôi rất vui khi thấy rằng hôm nay, cùng với nỗ lực của khu vực công, khu vực tư nhân cũng đang triển khai nhiều hỗ trợ rất vững chắc, với những sáng kiến đổi mới có vai trò trong việc trao đổi kinh nghiệm giữa Pháp và Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh trong chăn nuôi”, bà Cécile Vigneau nói.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2023). Với năng lực vượt trội của mình, nhiều công ty Pháp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, năng lượng sạch.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Thoan - Chủ trang trại Gà vi sinh Thu Thoan cho biết, những kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo giúp người chăn nuôi nhận thức tốt hơn yêu cầu giảm, tiến tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng kháng sinh nhằm mục đích kích thích tăng trưởng và phòng bệnh trong chăn nuôi ở Việt Nam.

“Với 5 năm nghiên cứu, đưa vào chăn nuôi giải pháp không dùng kháng sinh, hiện nay, trang trại của chúng tôi đã sản xuất ra gà vi sinh chất lượng cao. Chúng tôi đã ứng dụng vi sinh và thảo dược vào chăn nuôi, nhằm giúp vật nuôi hấp thụ thức ăn tốt hơn, sức đề kháng cao hơn và không gây phát thải ra môi trường. Qua đó, phúc lợi từ chăn nuôi được bảo đảm, chất lượng dinh dưỡng trong thịt gà cao hơn”, bà Thoan chia sẻ.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm