Kéo gần thị trường xa cho xuất khẩu
Các chính sách kinh tế quan trọng có hiệu lực từ 1/10/2020 / Quản lý đất đai của Đà Nẵng cần tiếp tục lấy minh bạch làm gốc
Một đánh giá vào năm ngoái cho thấy Việt Nam là nước xuất khẩu (XK) giày dép lớn nhất vào Bra-xin, chiếm tỷ trọng đến 48% dù cho thuế nhập khẩu vẫn còn ở mức rất cao (35%). Điều này khẳng định sức cạnh tranh tốt của giày dép Việt Nam.
Kết nối giao thương trực tuyến
Thương vụ Việt Nam tại Bra-xin lưu ý, về lâu dài, các nước trong khu vực, đặc biệt là các thành viên thuộc Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) sẽ chiếm ưu thế, trong khi thị trường giầy dép của Bra-xin vẫn còn tiềm năng phát triển rất mạnh.
Do đó, trong XK của Việt Nam rất cần có những biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, mở rộng thị trường với khu vực Nam Mỹ nói chung và Bra-xin nói riêng.
Để nông sản Việt XK ra thị trường xa rất cần đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại.
Nhắc lại việc này là vì trong các ngày 1, 2 và 3/10/2020, Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Argentina, Bra-xin tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến (thông qua nền tảng Zoom Cloud Meeting) giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam với các DN khối thị trường chung Mercosur.
Mục đích của hội nghị giao thương trực tuyến này là nhằm đa dạng hóa thị trường XK, quảng bá thương hiệu và hình ảnh DN Việt Nam với các thị trường thương mại quan trọng khu vực Nam Mỹ.
Điều đó cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN XK trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, đồng thời tạo điều kiện và cơ hội cho các DN Việt Nam trực tiếp giao thương qua mạng, kết nối đối tác tiềm năng và mở rộng kinh doanh ra khối thị trường Mercosur.
Theo đánh giá, thị trường Mercosur gồm 4 nước thành viên chính thức là Argentina, Bra-xin, Paraguay, và Uruguay, là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng XK của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến…
Điển hình như thị trường Argentina. Kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này năm 2019 đạt mức tăng trưởng hơn 30%. Các DN và người tiêu dùng Argentina đều đánh giá khá tốt chất lượng hàng hóa Việt Nam.
Hiện, DN Argentina đang định vị lại thị hiếu và nhu cầu khách hàng, có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường cố định.
Đây là cơ hội để hàng Việt vào thay thế sản phẩm truyền thống mà Argetina vẫn nhập khẩu trong chuỗi cung cấp của mình. Đặc biệt là các mặt hàng tiềm năng như da giày, đồ gỗ, mây tre, vật tư y tế.
Trong phiên giao thương trực tuyến lần này giữa các DN Việt Nam và khối Mercosur sẽ diễn ra liên tục thông qua nền tảng Zoom, tập trung vào các ngành hàng: dược phẩm, nguyên liệu dược phẩm, vật tư y tế phòng dịch...; đồ nội thất (phong cách Bazzar), thủ công mỹ nghệ; thực phẩm chế biến, gạo; giày dép, may mặc, nguyên liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, rượu vang, thịt bò, hạt các loại, hoa quả sấy...
Nên có chiến lược dài hơi
Trước đó, ngày 30/9 vừa qua,Bộ Công Thương cũng đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - châu Phi” thu hút sự tham gia của hơn 120 DN Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, chế biến, nông - lâm - thủy sản, sản phẩm điện tử… có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác với khu vực thị trường Trung Đông - châu Phi.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi đã tăng hơn 9 lần trong vòng 15 năm trở lại đây.
Thị trườngTrung Đông - châu Phiđang có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng XK chủ lực của Việt Nam, thực sự là những thị trường đa dạng cơ hội cho DN Việt Nam.
Hàng XK của Việt Nam sang khu vực Trung Đông - châu Phi ngày càng phát triển đa dạng. Bên cạnh các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày…, hiện đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng…
Ông Tài cho rằng, bên cạnh khai thác các thị trường truyền thống, việc mở rộng và phát triển hợp tác thương mại với các thị trường mới giàu tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi là một trong những giải pháp mà Việt Nam cần hướng đến trong thời gian tới.
Để hàng Việt Nam thâm nhập thành công vào các thị trường xa như thị trường Mercosur hay Trung Đông - châu Phi, giới chuyên gia lưu ý các DN Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm và XK sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cũng như giảm giá thành để tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm của những nước khác.
Và để “kéo gần” những thị trường này, cần đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác.
Một thách thức lớn cho các DN Việt muốn nhắm vào các thị trường này là khoảng cách địa lý xa xôi khiến cho họ ngại sang tiếp cận khách hàng. Chưa kể, các DN Việt vẫn còn nhiều hạn chế trong việc nắm được quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường Trung Đông, châu Phi hay Mercosur.
Để đẩy mạnh được XK sang các thị trường xa này, các DN Việt nên có chiến lược thị trường dài hơi, bỏ tư tưởng “ăn xổi ở thì”. Bên cạnh đó, các DN cần bám sát cơ chế hợp tác, những hiệp định, những thỏa thuận liên Chính phủ giữa Việt Nam với từng thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao