Thị trường

Quản lý đất đai của Đà Nẵng cần tiếp tục lấy minh bạch làm gốc

DNVN - Tại hội thảo “Nâng cao nâng lực quản lý và khai thác nguồn lực đất đai góp phần phát triển KT-XH TP Đà Nẵng”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Chu An Trường đề nghị công tác quản lý đất đai của Đà Nẵng cần tiếp tục lấy minh bạch làm gốc, kết nối liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế.

Đà Nẵng: Lễ hội “Rộn ràng đón trăng” tràn ngập tiếng cười của trẻ nhỏ, người lớn / Đà Nẵng hướng dẫn tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh và người Việt Nam hồi hương

Những hạn chế cơ bản đã từng bước được chuyển hóa thành cơ hội

Tại hội thảo “Nâng cao nâng lực quản lý và khai thác nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng” do Sở TN-MT tổ chức chiều 1/10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên nhắc lại, tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ hồi năm 1997, đô thị Đà Nẵng thực sự khởi sắc từ sau năm 2003 khi TP trở thành đô thị loại 1. Chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” là cách thức tạo nguồn vốn đầu tư, tạo sự chuyển biến khá mạnh mẽ, góp phần mở rộng quy mô đô thị cả về số lượng và chất lượng.

Hội thảo "Nâng cao năng lực quản lý và khai thác nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng" do Sở TN-MT Đà Nẵng tổ chức chiều 1/10

Hội thảo "Nâng cao năng lực quản lý và khai thác nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng" do Sở TN-MT Đà Nẵng tổ chức chiều 1/10

Sau hơn 20 năm chỉnh trang xây dựng, TP đã di dời, giải phóng mặt bằng với tổng số hộ phải giải tỏa là gần 120 ngàn trên tổng số gần 200 ngàn hộ dân. Nhiều khu dân cư, điểm dân cư nông thôn, nhiều KCN, khu du lịch, kết cấu hạ tầng đô thị... đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng. Từ một đô thị với diện tích khu vực nội thành khoảng 5.600 ha, đến nay ranh giới nội thành đô thị đã mở rộng đến hơn 21.000 ha...

”Nói đến thành công của Đà Nẵng hơn 20 năm qua, không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng của ngành quản lý đất đai TP, nhất là sự cống hiến công sức của bao thế hệ lãnh đạo TP, lãnh đạo sở, cán bộ hưu trí của ngành, những người đã đặt nền móng đầu tiên cho công tác quản lý đất đai của TP!” – ông Trần Văn Miên nói.

Tuy nhiên ông cũng nêu rõ, công tác quản lý đất đai trên địa bàn thời gian qua cũng đã gặp nhiều hạn chế, tồn tại, để lại không ít hệ lụy, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư xây dựng, khơi thông nguồn lực đất đai... Thời gian gần đây, những sai phạm cá nhân xảy ra ở Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn trà cũng ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của ngành.

Mặc dù vậy, ông Trần Văn Miên cho biết lãnh đạo Đà Nẵng ghi nhận những nỗ lực chung của toàn ngành quản lý đất đai TP, những kết quả bước đầu trong quá trình đổi mới tư duy, tiếp cận giải quyết những vấn đề khó khăn kéo dài nhiều năm qua. Ông nói: “Sự thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức quản lý được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng vào những bước tiến mạnh mẽ hơn của toàn ngành TN-MT TP Đà Nẵng!”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) Chu An Trường nhận xét, quá trình phát triển ngành quản lý đất đai TP Đà Nẵng thời gian qua tuy vẫn còn tồn tại tích tụ trong công tác quản lý nhưng với quyết tâm, nỗ lực của địa phương và tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ lĩnh vực đất đai, những hạn chế cơ bản đã từng bước được chuyển hóa thành cơ hội, các rào cản đã và đang tiếp tục được tháo dỡ, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển KT-XH.

 

“Minh chứng sống động về sự tịnh tiến của chỉ số “Tiếp cận đất đai” của Đà Nẵng trong Bộ chỉ số PCI cho thấy các giải pháp của ngành đã được các doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá tích cực. Năm 2019, chỉ số này của Đà Nẵng đạt điểm cao nhất trong 5 năm qua của TP và nhiều năm trước đó, góp phần đưa Đà Nẵng luôn là địa phương có điểm số dẫn đầu vùng duyên hải miền Trung, trong đó có 7 năm đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc!” – ông Chu An Trường nói.

Mạnh dạn thí điểm các cơ chế về đất đai dựa trên những đặc thù được trao quyền thực hiện

Theo Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng, công tác quản lý đất đai trên cơ sở quy định của pháp luật, của những chủ trương, chính sách chính là “kim chỉ nam” để từng bước kiện toàn hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, đáp ứng các tiêu chuẩn theo từng thời kỳ. Và xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện, công tác quản lý nguồn tài nguyên vô giá này dù thời kỳ nào cũng phải đạt được mục tiêu “Cải thiện tối đa môi trường sống của người dân”.

Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức như: việc thu hồi, cấp đất, giao đất; công tác quản lý đối với các dự án chậm triển khai; tình trạng mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp kéo dài vẫn còn; việc giám sát còn hạn chế dẫn đến một số cán bộ lợi dụng chức vụ để trục lợi; cần làm rõ vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai của Nhà nước, đặc biệt là sự phân công, phân cấp của các cấp chính quyền trong thực hành chức năng, nhiệm vụ này; khi xung đột quy hoạch thì lấy quy hoạch nào làm gốc…

Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Chu An Trường nêu rõ, Đà Nẵng sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được cấp thẩm quyền thông qua. Đồng thời Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng định hướng rõ nét phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng.

 

Điều này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá phát triển cho Đà Nẵng trong thời gian tới, nhưng cũng đặt ngành quản lý đất đai của TP trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề, vừa phải đảm bảo cân đối quỹ đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, vừa phải đảm bảo quốc phòng, an ninh làm cho đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững.

Vì vậy ông đề nghị Sở TN-MT Đà Nẵng khai thác mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia nhiệm vụ quản lý, sử dụng tốt tài nguyên đất đai. Tạo đột phá về cải cách thủ tục hành chính dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục lấy minh bạch làm gốc, kết nối liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế. Đặc biệt là “mạnh dạn triển khai các cơ chế thí điểm về đất đai dựa trên những đặc thù mà TP được trao quyền thực hiện”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cũng yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục đầu tư và sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; sớm đưa cổng thông tin đất đai vào vận hành khai thác. Chủ động hơn trong công tác tham mưu, nhất là những chủ trương chính sách tạo điều kiện thu hút đầu tư, cũng như mục tiêu nhất quán “cải thiện tối đa môi trường sống của người dân”. Chú trọng công tác giải tỏa đến bù, các chủ trương chính sách hỗ trợ mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm