Kéo xuất khẩu gần hơn với Trung Đông
Ông H.E Abdullah Al Saleh, Thứ trưởng Bộ Kinh tế của UAE, cho biết trong giao thương hai chiều giữa UAE và ASEAN thì riêng với Việt Nam đã chiếm đến 39%. Rõ ràng, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN đối với UAE nói riêng và Trung Đông nói chung.
“Cửa ngõ” thị trường UAE
Chia sẻ với giới doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM tại Diễn đàn Thương mại và Đầu tư UAE - Việt Nam tổ chức ngày 17/10, Thứ trưởng Al Saleh nêu rõ riêng năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đã đạt hơn 8,5 tỷ USD.
Giải thích về con số chênh lệch đến hơn 2,5 tỷ USD khi thống kê từ Việt Nam là kim ngạch hai chiều trong năm 2018 giữa hai nước vào khoảng 6 tỷ USD, ông Al Saleh tiết lộ: giao thương giữa DN UAE với Việt Nam còn liên quan thêm đến bên thứ ba là Singapore.
Nhìn về tương lai những năm tới, Thứ trưởng Bộ Kinh tế của UAE nhấn mạnh UAE là đối tác thương mại XK đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông và sẽ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Riêng về đầu tư, tổng giá trị đầu tư của các DN UAE tại Việt Nam hồi năm ngoái đã đạt 4 tỷ USD và đang được kỳ vọng sẽ gia tăng dòng vốn này trong tương lai.
Theo chia sẻ của ông Obaid Saeed Aldhaheri, Đại sứ UAE tại Việt Nam, cách đây 9 năm, ông đến Việt Nam làm việc trong lĩnh vực cơ khí và đã chứng kiến sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam. Khi trở về UAE, ông đã gợi ý các DN UAE hãy rót vốn đầu tư vào Việt Nam.
“Lúc đó, có những nhà đầu tư UAE vẫn còn phân vân. Riêng một số DN khác quyết định rót vốn vào Việt Nam và đang hoạt động khá tốt, họ khẳng định gợi ý của tôi là hoàn toàn đúng”, ông Aldhaheri bộc bạch.
Phân tích số liệu 9 tháng đầu năm nay, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Tp.HCM, cho biết Việt Nam XK hàng hóa sang UAE gần 4 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam và giảm 2,4% so cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, có một số mặt hàng nông sản XK sang thị trường UAE bị sụt giảm đáng kể như chè, hạt điều, thủy sản, gạo… Điều đáng nói, trong khi XK mặt hàng gạo của Việt Nam vào Trung Đông đang tăng trưởng rất mạnh thì lại sụt giảm ở UAE.
Tuy nhiên, theo ông Liêm, nếu thống kê cả lượng hàng hóa Việt Nam mà UAE mua tại Singapore thì kim ngạch XK sang UAE sẽ cao hơn rất nhiều.
Mặt khác, có 8/21 nhóm hàng XK sang thị trường này vẫn có mức tăng trưởng tốt, như: đá - kim loại quý, cơ khí, bánh kẹo, thực phẩm ngũ cốc…
Theo ông Trần Ngọc Liêm, với thị trường có lượng dân số nhỏ như UAE thì nên biết rằng không phải tất cả hàng hóa của Việt Nam xuất sang là tiêu thụ tại UAE, mà đây chính là địa điểm trung chuyển và phân phối ra toàn cầu.Còn nhiều dư địa
“Vì vậy, tôi rất mong các doanh nhân UAE trở thành các đối tác lớn của các DN Việt Nam như các đối tác lớn ở Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng mua hàng Việt Nam và phân phối toàn cầu”, ông Liêm chia sẻ.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết UAE hiện là thị trường XK lớn thứ 10 của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông với trên 60 nhóm mặt hàng.
Các mặt hàng chính XK sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính - linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, dệt may, đá quý, hạt điều và các loại nông sản khác…
Hiện nay, các mặt hàng XK của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, thủy sản, điện thoại di động, hàng điện tử, sản phẩm dệt may, giày dép các loại… đã thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường UAE nói riêng và thị trường Trung Đông nói chung, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về giá cả, mẫu mã, chất lượng.
Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh, vị thế đang ngày càng tăng và thị trường các nước Trung Đông còn nhiều dư địa cho hàng XK Việt Nam thâm nhập. Đặc biệt, thị trường này đang gia tăng đáng kể nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để phục vụ tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị.
Thế nhưng, khi thâm nhập thị trường UAE hay Trung Đông, các DN Việt Nam lại chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…
Mặc dù vậy, các nước ở Trung Đông đang rất quan tâm đến các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam, vì Việt Nam có lợi thế về nguồn nông sản như ca cao, cà phê, gạo, các sản phẩm từ biển, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả..., hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của người Hồi giáo.
Để kéo gần hơn nữa việc XK vào thị trường Trung Đông, đưa ra lời khuyên cho các DN Việt, giới chuyên gia nhấn mạnh cần gắn chặt hơn nữa với các đối tác nhập khẩu từ UAE.
Bởi lẽ, UAE chính là trạm trung chuyển hàng hóa chính và lớn nhất của khu vực Trung Đông. Thị trường này còn có các hệ thống chuỗi siêu thị lớn và cũng là các kênh phân phối của khu vực Trung Đông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết