Kết quả hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I năm 2019
DNVN - Quý I năm 2019, toàn lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã bắt và xử lý 33.549 vụ vi phạm (tăng 10% so cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.470 tỷ đồng (tăng 16% so cùng kỳ).
3 gợi ý cho các SME về chiến lược tăng trưởng / Việt Nam nên ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân
Ông Đàm Thanh Thế, ủy viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã đưa ra thông tin trên tại cuộc họp báo chuyên đề thông báo kết quả của các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm của BCĐ 389 Quốc gia Quý II năm 2019 do Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia phối hợp với Tổng cục Hải quan, BCĐ 389 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Công an tổ chức hôm 25/4 vừa qua.
Quý I năm 2019 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có diễn biến phức tạp do nhu cầu hàng hóa ngoại nhập tăng cao. Tại thị trường nội địa, tình hình bày bán hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm,… kém chất lượng vẫn diễn ra cả ở thành thị và nông thôn.
Ông Đàm Thanh Thế phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: TCHQ)
Tại các tỉnh biên giới phía Bắc và Đông Bắc, Bắc Ninh, Hà Nội,.. các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng từ nước có chung đường biên giới đất liền vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế, đường mòn, lối mở.
Trên các tuyến biên giới, địa bàn các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên hoạt động buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, pháo nổ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, lâm sản, động vật hoang dã… Các đối tượng chuyển hướng hoạt động từ các khu vực biên giới Sơn La sang địa bàn các tỉnh biên giới miền Trung với quy mô lớn, chuyên nghiệp và manh động hơn. Đặc biệt, tỷ lệ tội phạm sử dụng vũ khí nóng gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma túy số lượng lớn đã bị phát hiện, xử lý.
Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, lượng hành khách và phương tiện xuất nhập cảnh tăng đột biến do người dân về ăn Tết hoặc đi du lịch. Các vụ vi phạm bị phát hiện tăng, tập trung chủ yếu các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu.
Trên tuyến biển, cảng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển Miền Trung và vùng biển phía Nam. Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites như cá thể tê tê, vẩy tê tê, ngà voi,… có chiều hướng gia tăng, các lô hàng nhập khẩu khai là mặt hàng gỗ, tuy nhiên trong các lô hàng lại cất giấu các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp.
Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn lậu, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra trong dịp lễ, tết tại nhiều địa phương.
"Với nỗ lực toàn lực lượng từ trung ương đến địa phương, Quý I năm 2019, toàn lực lượng bắt và xử lý 33.549 vụ vi phạm (tăng 10% so cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2.470 tỷ đồng (tăng 16% so cùng kỳ)", ông Đàm Thanh Thế cho biết.
Những kết quả nêu trên đã góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo