Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Phát triển nghề cá theo thông lệ quốc tế
2.833 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tuần qua / BẢN TIN TÀI CHÍNH - KINH DOANH: Xuất khẩu tôm sang Anh đạt 212,1 triệu USD, những ôtô ra mắt thị trường Việt tháng 12/2018
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tìm hiểu rõ vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc đánh bắt hải sản hợp pháp trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng?
Để phát triển ngành kinh tế thủy sản; trong đó có nghề cá của Việt Nam thì điều bắt buộc là nghề cá phải phát triển theo thông lệ của quốc tế, đặc biệt là phải tuân thủ quy định về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Có như thế chúng ta mới có một nghề cá phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập, đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Bên cạnh đó, đây là yêu cầu tất yếu, bởi không có thị trường nào chấp nhận tiêu thụ sản phẩm hải sản do nước khác cung cấp mà do đánh bắt bất hợp pháp. Chính vì hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp mà hiện nay Việt Nam đang bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, điều này đã gây ra nhiều bất lợi, khó khăn đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sang thị trường châu Âu và một số thị trường khác có liên quan.
Việt Nam đã thực hiện như thế nào trước và sau khi EC áp “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác?
Trước khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp chống khai thác IUU; trong đó tập trung chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đơn cử như một số chỉ đạo của Thủ tướng: Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, trên địa bàn tỉnh Bình Định; các Công điện số 1329/CĐ-TTg ngày 30/8/2012, số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài...
Bên cạnh đó, thành lập Tổ công tác liên ngành 689 tại Trung ương và địa phương để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về việc chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết được nên ngày 23/10/2017 EC đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” và đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam khắc phục, tập trung chủ yếu vào hoàn thiện khung pháp lý và thực thi pháp luật về chống khai thác IUU.
Sau khi EC áp dụng “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Ban hành Luật Thuỷ sản 2017, hoàn thiện các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) đảm bảo tính tương thích với các quy định quốc tế về quản lý nghề cá bền vững và chống khai thác IUU.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý nghề cá nói chung, quản lý chống khai thác IUU từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các Chỉ thị, Công điện, Quyết định để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chống khai thác IUU và khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC về chống khai thác IUU.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện; tổ chức các cuộc họp và trực tiếp đi địa bàn để chỉ đạo các tỉnh ven biển triển khai ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp để chống khai thác IUU như: quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để ngăn chặn, xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định đối với tàu cá chống khai thác IUU, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác theo quy định.
Các Hiệp hội, Hội nghề cá, cộng đồng ngư dân triển khai các hành động cụ thể trong chống khai thác IUU như: cộng đồng doanh nghiệp phát động chương trình “doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”, ban hành sách trắng về IUU, kí cam kết chống khai thác IUU...
Ngoài ra, tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua việc xây dựng quy định chặt chẽ và lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Sửa đổi quy trình kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát chặt chẽ sản lượng cập bến gắn với quy trình xác nhận, chứng nhận. Điều chỉnh quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam theo Quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng.
Đồng thời, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác thông qua tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý cảng cá, đảm bảo kiểm tra chéo các thông tin trong chuỗi.Quản lý năng lực khai thác thông qua việc triển khai các quy định mới trong Luật Thuỷ sản về kiểm soát số lượng tàu cá và xây dựng thí điểm cấp hạn ngạch khai thác cá ngừ đại dương dựa trên số liệu điều tra nguồn lợi.
Song song đó, tăng cường hợp tác quốc tế; tham gia tích cực vào các sáng kiến khu vực về chống khai thác IUU; Đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước trong khu vực, kí đường dây nóng trao đổi thông tin về IUU.
Khó khăn nào được coi là lớn nhất trong quá trình thực hiện các quy định đáp ứng yêu cầu của EC về khai thác hải sản, thưa ông?
Trong quá trình triển khai các quy định đáp ứng yêu cầu của EC về khai thác hải sản chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Trước hết, phải kể đến là đưa các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU vào khung pháp lý của Việt Nam, vì mỗi quốc gia có cách xây dựng luật riêng. Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua là một thành công lớn của ngành thủy sản vì đã nội lực hóa các vấn đề về chống khai thác IUU đáp ứng các yêu cầu theo khuyến nghị của EC vào trong Luật.
Tiếp theo là việc thực thi, vì nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… Vì vậy, đòi hỏi phải cần thời gian để tổ chức thực hiện mới đem lại hiệu quả.
Đặc biệt nghề cá của Việt Nam là nghề cá nhân dân nên thay đổi thói quen đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Việt Nam hiện nay là một vấn đề cần phải có thời gian để thực hiện.
Thực hiện mục tiêu xây dựng nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững, theo ông, về lâu dài cần có những giải pháp gì?
Để thực hiện mục tiêu xây dựng nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững về lâu dài Việt Nam cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp sau. Đó là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững thân thiện với môi trường và đáp ứng các thông lệ quốc tế, có như thế mới đảm bảo được sinh kế lâu dài của người dân sống dựa vào đánh bắt hải sản.
Bên cạnh đó, quản lý, giám sát, kiểm soát được hoạt động của tàu cá trên biển thông qua hệ thống quản lý tàu cá kết hợp tăng cường thực thi pháp luật để xử lý nghiêm các hành vi khai thác bất hợp pháp.
Quy hoạch lại đội tàu cá khai thác thủy sản, gắn liền hoạt động khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo ngư trường nguồn lợi cho hoạt động khai thác thủy sản, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác không thân thiện với ngư trường nguồn lợi.
Đồng thời, tăng cường hợp tác khai thác hải sản với các nước, các tổ chức quốc tế để mở rộng ngư trường khai thác hải sản cho nghề cá Việt Nam. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các cơ quan đơn vị liên quan trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại địa phương và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan buông lỏng quản lý ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nghề cá.
Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản phải theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng