HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông, huyện Cần giờ, TP.HCM) với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã mạnh tay chi hơn 1 tỉ đồng đầu tư kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE.
Kỹ sư Tăng Minh Trí, chuyên gia của Trung tâm R&D nông nghiệp công nghệ cao, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM là người đã “nằm vùng” tại đây hơn 1 năm để chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm mới này cho HTX Thuận Yến.
Hiện tại mô hình này đã nuôi thử nghiệm khá thành công với 2 ao nuôi tôm, mỗi ao diện tích 500 mét vuông. Sau 2 tháng, tôm nuôi phát triển tốt. Sau 3 tháng, có thể thu hoạch với sản lượng trên 2 tấn tôm/ao.
Theo kỹ sư Trí, mô hình nuôi tôm mới này sẽ giảm thiểu rủi ro vì người nuôi có thể quản lý được các chỉ tiêumôi trường, hạn chế những ảnh hưởng xấu của thời tiết lên hồ tôm. Ngoài ra, những hệ thống tự động hóa hút chất thải tự động, sục khí oxy liên tục,…sẽ mang lại điều kiện sống cho tôm. Sau 2 giai đoạn nuôi (khoảng 3 tháng), tỉ lệ sống của tôm có thể đạt 80%-90%. Như vậy nông dân “cầm chắc” thắng lợi trong vụ tôm.
Tạp chí Khám phá xin giới thiệu sơ lược về quy trình nuôi tôm mới này.
Hệ thống gồm có: Hai ao lắng thô (cấp 1 và cấp 2) có nhiệm vụ lấy nước từ biển, thông qua ống lọc có gắn túi lọc (2 lớp) dùng để trữ nước và làm sạch tự nhiên. Sau đó, nước được chuyển qua ao lắng tinh, tiếp tục được xử lý qua 2 túi lọc. Ao lắng tinh được lót bạt ở đáy, có độ sâu từ 2 đến 3 mét. Nước từ ao lắng tinh tiếp tục qua ống lọc có gắn túi lọc để đến với ao sẵn sàng. Tại đây aosẵn sàng sẽ trữ nước và điều chỉnh cân bằng môi trường nước trước khi cấp cho ao nuôi.
Ao nuôi sẽ lấy nước từ ao sẵn sàng qua ống lọc có sẵn túi lọc (2 lớp) dùng để nuôi tôm thương phẩm. Tuy nhiên, trước khi chuyển đến ao nuôi, tôm phải được ương từ ao ương từ giai đoạn post 10 đến 12 (chiều dài thân tôm từ 10 đến 12mm) trong thời gian 1 tháng.
Ngoài ra, hệ thống còn có các mương cấp nước được bố trí gần nguồn nước và ao lắng thô, có vị trí lắp đặt máy bơm thuận lợi cho việc cấp nước vào ao lắng thô. Mương xả nước được bố trí gần ao nuôi vào ao ương. Các chất thải từ hệ thống siphon (thiết bị hút chất thải dưới đáy ao) được đưa về ao chứa chất thải và được xử lý theo quy định trước khi thải ra môi trường.