Nông dân Tiền Giang vươn lên làm giàu nhờ nuôi chồn hương
Phú Thọ: Đang bí cửa làm ăn, bèn nuôi ốc nhồi, cho ăn rau cỏ, có nhiều tiền / Hưng Yên: Bỏ chăn nuôi manh mún, nhà nông bắt tay nhau làm giàu
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu, gần đây nhiều nông dân vùng ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi chồn hương thương phẩm của ông Võ Văn Tiến ở ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông là mô hình mới, độc đáo đầy triển vọng.
Ông Võ Văn Tiến ở ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang vươn lên làm giàu nhờ mô hình nuôi chồn hương. |
Ông Võ Văn Tiến hiện đang nuôi 120 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán giống phục vụ nhu cầu nuôi của người dân khu vực ĐBSCL. Ông Tiến cho biết, vào năm 2013, tình cờ phát hiện mô hình nuôi chồn hương ở huyện Củ Chi-TP. Hồ Chí Minh có triển vọng, nên mua 4 con chồn về nuôi “thử nghiệm”.
Nhờ học hỏi, tìm tòi và ứng dụng tốt các kỹ thuật nên đàn chồn hương của ông ngày càng sinh sôi, phát triển. Mỗi năm, con chồn cái sinh sản 2 lần, mỗi lần cho ra từ 3-4 con chồn con.
Chồn hương là động vật hoang dã thuộc nhóm II, so với các vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu chế biến thức ăn xa xỉ ở các quán ăn, nhà hàng. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi.
Đến nay, ông Võ Văn Tiến đã bán ra gần 100 con chồn hương giống và hàng chục con chồn thịt. Ở thời điểm này, mỗi cặp chồn giống có giá khoảng 7 triệu đồng; riêng chồn thịt giá 1,5 triệu đồng/kg. Mỗi con chồng thịt có trọng lượng 5-7 kg, xuất chuồng bán được gần chục triệu đồng. Tuy giá luôn ở mức cao nhưng hiện nay trại chồn hương của người nông dân này không có đủ số lượng cung ứng cho khách hàng các nơi.
Giá mỗi cặp chồn giống khoảng 7 triệu đồng. |
Theo ông Võ Văn Tiến, chồn hương rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Trại chồn hương của ông nuôi trong lồng, theo kiểu công nghiệp; trung bình một ngày, mỗi con chồn chỉ mất khoảng 3.000-4.000 đồng mua thức ăn. Năm qua, từ mô hình nuôi chồn hương, ông có nguồn thu nhập đến vài trăm triệu đồng.
“Mô hình chăn nuôi chồn hương hiệu quả rất tốt. Kỹ thuật nuôi chồn không khó. Quang trọng nhất là khâu ăn uống, vệ sinh chuồng trại. Thổ nhưỡng vùng đất như Gò Công rất phù hợp, nếu bà con nuôi được khỏi lo đầu ra”, ông Tiến cho hay.
So với các mô hình chăn nuôi trước đây mà người nông dân này đã trải qua như: nuôi lợn, gia cầm, dê… thì con chồn hương cho thu nhập cao hơn. Thời gian qua, ông Tiến đã cung cấp giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông dân khác nhân rộng mô hình này.
Nuôi chồn hương mang đến thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. |
Ông Trương Văn Phúc, một nông dân sản xuất giỏi tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông cho biết, chồn hương hiện rất đắt hàng, nếu nuôi đạt hiệu quả như ông Võ Văn Tiến thì hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình này đã mở ra hướng mới cho ngành chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, gia súc, gia cầm đang bị dịch bệnh tấn công nên ông Võ Văn Tiến đang đầu tư chuồng trại, lai tạo ra con giống tốt để mở rộng quy mô, nhân rộng đàn chồn hương. Ông Tiến cho biết, ở các vùng đất khô cằn ven biển, những hộ gia đình ít đất sản xuất của vùng ĐBSCL đều có thể nuôi chồn hương, thị trường vật nuôi này đang hút hàng.
Theo UBND xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), mô hình nuôi chồn hương của nông dân Võ Văn Tiến là mô hình độc đáo, cho thu nhập cao có thể nhân rộng, góp phần làm đa dạng hóa loài vật nuôi và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Ngoài, nuôi chồn hương, người nông dân này còn chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại, là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo