Khánh Hòa: Làm giàu từ hải sâm
Doanh nghiệp chăn nuôi bắt đầu giảm giá thịt lợn / Vươn lên làm giàu nhờ nuôi dế
Chúng tôi đến đầm nuôi hải sản của nông dân Nguyễn Văn Dương ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, hiện đang áp dụng mô hình nuôi 1ha kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển.
Ông Dương cho biết, trước đây ông và nhiều hộ gia đình xung quanh chỉ nuôi tôm hoặc ốc hương đơn thuần, thường xuyên bị thua lỗ. Nuôi tôm sú thường xuyên bị bệnh đốm trắng, nhiều vụ tôm chết hết cả đàn, mất hết vốn, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần.
Lợi nhuận cao gấp 2 lần nuôi tôm
Từ vài năm trở lại đây, các hộ dân trong thôn Xuân Đông đã chuyển đổi đối tượng nuôi từ tôm, ốc hương truyền thống sang nuôi hải sâm. Hải sâm là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng do ăn mùn bã hữu cơ nên không mất tiền đầu tư thức ăn. Đồng thời, nuôi hải sâm làm sạch nền đáy, cải thiện môi trường ao nuôi, đặc biệt là ao đìa trước đây nuôi trồng thủy sản, có nhiều mầm bệnh ô nhiễm.
Tại Khánh Hòa, từ năm 2015 trở về trước, hải sâm cát đã được biết đến nhiều ở các vùng phía Nam của tỉnh như Cam Ranh, Cam Lâm – nơi có nguồn hải sâm tự nhiên tương đối dồi dào, người dân đánh bắt hải sâm trong tự nhiên về bán lại cho người nuôi và các thương lái. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng trữ lượng hải sâm ngoài tự nhiên. Do đó, người dân ở đây bắt đầu mày mò nghiên cứu và nuôi hải sâm trên cát.
Theo ông Dương, hải sâm thu hoạch chủ yếu xuất bán cho tư thương, giá bán ổn định nhiều năm nay, giá tại ao 100.000 đồng/kg hải sâm tươi. Nuôi hải sâm đơn thuần, mỗi lứa 8 tháng là thu hoạch, mỗi ha đạt sản lượng 1,8-2,5 tấn, cho doanh thu 150 – 250 triệu đồng/vụ. Nhờ mất rất ít chi phí đầu tư, nên lợi nhuận nuôi hải sâm từ 150-200 triệu đồng/ha. Trong khi nuôi ốc hương và tôm sú đạt giá bán trên dưới 200 nghìn đồng/kg, nhưng do đầu tư thức ăn chăn nuôi lớn, nên lợi nhuận chưa tới 100 triệu đồng.
Hiện, ông Dương tham gia mô hình nuôi hải sâm kết hợp với ốc hương và trồng rong nho, được Nhà nước hỗ trợ 30% thức ăn; 50% giống và 100 lưới trồng rong nho.
“Trước kia, nuôi ốc hương với mật độ dày, nay chỉ thả 50 con/m2; hải sâm 0,5 con/m2 và rong nho 500kg/ha. Ốc hương, hải sâm và rong biển sinh trưởng và phát triển tốt. Trên một ao nuôi thu hoạch được nhiều sản phẩm”, ông Dương chia sẻ.
Đoàn chúng tôi đã đến tìm hiểu Dự án Nâng cao kỹ năng sản xuất hải sâm đang được triển khai tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung cũng trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Mô hình này nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao kỹ năng sản xuất hải sâm ở Việt Nam, Philippine và Bắc Úc” do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, được triển khai từ đầu năm 2019 đến nay. Tại đây, diện tích ươm giống, nuôi kết hợp là 10ha.
Theo Chủ nhiệm dự án, sau 4 tháng ươm, con giống hải sâm có thể đưa ra ao nuôi. Thời gian nuôi từ 4-6 tháng là có thể thu hoạch. Đánh giá bước đầu mô hình phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tại nơi thực hiện dự án.
Nuôi đa đối tượng theo VietGAP đạt nhiều lợi ích kép
Ông Nguyễn Hoa Nhiên, Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung cho biết, hiện hầu hết các hộ nuôi hải sâm ở tỉnh Khánh Hòa vẫn còn mang tính tự phát, chưa biết lựa chọn vùng nuôi thích hợp, chứa đựng nhiều rủi ro khi mùa mưa tới hải sâm có thể chết, chưa nắm bắt kiến thức quy trình nuôi an toàn. Thêm một vấn đề nữa là tình trạng thiếu con giống hải sâm cho nuôi trồng.
Với sư tư vấn của các chuyên gia Úc và nhiều nước khác, cùng các chuyên gia đến từ trung ương, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh sản của hải sâm, xây dựng quy trình nuôi hải sâm kết hợp với nhiều đối tượng nuôi khác theo hướng VietGAP để đạt năng suất cao nhất, lợi ích kinh tế tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm, đồng thời đảm bảo môi trường.
Kết quả, mô hình nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm và rong nho theo chuỗi giá trị tại đây đạt năng suất ốc hương 3,1 tấn/ha, hải sâm 3,5 tấn/ha, rong nho 3,8 tấn/ha mỗi năm. Các yếu tố nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ mặn trong các mô hình nuôi kết hợp đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép và ổn định để tôm sú, ốc hương, hải sâm phát triển. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc nuôi kết hợp hải sâm và rong biển có thể khống chế các chất độc (NH3 và NO2) để luôn đảm bảo giới hạn cho phép. Trong các ao nuôi theo quy trình mới này, các tác nhân gây bệnh gồm nấm, ký sinh trùng và vi khuẩn đều thấp, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các đối tượng nuôi. Trên ốc hương không xuất hiện các bệnh thường gặp do vi khuẩn Vibrio sp. gây ra; các bệnh thường gặp do ký sinh trùng hay nấm đều ít xuất hiện ở cả ốc hương, hải sâm và rong biển.
Xét hiệu quả kinh tế, mô hình hình nuôi kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế gần 300 triệu/ha/vụ, cao gấp 3 lần so với nông dân nuôi không theo mô hình.
Ông Nhiên cho hay, từ giữa năm 2019 đến nay, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung đã chuyển giao rộng rãi mô hình nuôi hải sâm kết hợp rong nho, ốc hương cho các bà con nông dân ở Khánh Hòa và nhiều tỉnh khác ở miền Trung.
“Phần lớn hải sâm nuôi trong vùng được thương lái thu mua để xuất khẩu, vì vậy triển vọng đầu ra rất sáng sủa. Nuôi kết hợp ốc hương, rong nho với hải sâm sẽ giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời giải quyết được vấn đề được mùa rớt giá đã xảy ra với nhiều đối tượng nuôi”, ông Nhiên nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam nhận định, hải sâm chế biến khô có giá trị kinh tế cao ở Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á, với giá từ 200 – 400 USD/kg. Nuôi trồng hải sâm mở ra cơ hội sinh kế cho các cộng đồng ven biển cho toàn khu vực Đông Nam Á, phía Bắc Australia và Trung tâm Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức ở nhiều vùng nhiệt đới cùng với việc quản lý nghề cá yếu kém, đã dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng trữ lượng hải sâm.
Các dự án gần đây của ACIAR đã nghiên cứu phát triển phương pháp nuôi hải sâm cát theo công nghệ mới, bền vững, tối ưu hóa và chuẩn hóa chiến lược sản xuất giống hải sâm cát, tối ưu hóa hệ thống ương giống. Qua đó cung cấp giải pháp tăng thu nhập và sinh kế rộng rãi hơn cho cộng đồng nuôi hải sâm tại Việt Nam, Philippines và Bắc Úc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam