Thị trường

Không thể “chen chân” vào kênh bán lẻ quốc tế nếu doanh nghiệp giữ cách làm cũ

DNVN - Trong bối cảnh tình hình thế giới tương đối ảm đạm, các doanh nghiệp có cơ hội để trải nghiệm những điều mà từ trước đến nay chưa từng có. Tuy vậy, để “chen chân” vào các kênh bán lẻ quốc tế, doanh nghiệp phải có cách làm mới.

Cải cách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu / Thêm động lực cho xuất khẩu Việt Nam

Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng chống chịu ngày càng được củng cố, cùng khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2023” diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham gia của hàng loạt hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ lớn nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và mua hàng.

Sự kiện là cơ hội rất tốt để nhà sản xuất Việt Nam có thể tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, đại diện các chuỗi bán lẻ lớn đã đưa ra những đánh giá và khuyến nghị để doanh nghiệp có thể tham gia vào các kênh bán lẻ quốc tế hiệu quả.

Đại diện Walmart - “ông lớn" trong ngành bán lẻ Mỹ cho rằng, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi: xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm…


Đại diện Walmart chia sẻ tại sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế".

Ông Yuichiro Shiotani - Tổng Giám đốc Aeon Topvula Việt Nam cho biết, thương mại quốc tế được cấu thành dựa trên ba nhân tố quan trọng là thị trường thế giới, tình hình thị trường của nơi xuất khẩu và nguồn nguyên liệu của nơi nhập khẩu.

Về tình hình thế giới, những năm gần đây, nền kinh tế thế giới đã phải hứng chịu những “đòn tấn công” khủng khiếp của đại dịch COVID-19. Tiếp theo đó, những quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam phải đối mặt với lạm phát toán cầu, cũng như tác động từ việc Mỹ tăng lãi suất. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ các nước xung quanh.

Thêm vào đó là sự thay đổi của thời đại, khi thời đại sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng thời đại chú trọng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, dấu chân carbon.

Mặc dù tình hình thế giới tương đối ảm đạm, nhưng ông Yuichiro Shiotani cho rằng, chính trong bối cảnh như thế này, các doanh nghiệp có cơ hội để trải nghiệm những điều mà từ trước đến nay chưa từng có.

Doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Nếu chúng ta chỉ làm những việc giống như trước giờ thì nhất định sẽ không thể theo kịp xu thế của thế giới. Chỉ cần doanh nghiệp có thể thích ứng được với thời đại thì doanh nghiệp sẽ có được những cơ hội rất lớn”, Tổng Giám đốc Aeon Topvula Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Giafar Safaverdi - Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á, Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam đánh giá, Việt Nam sở hữu năng lực sản xuất ngày càng phát triển, các chính sách tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, cùng với nhiều lợi thế trong lĩnh vực logistics đã giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của IKEA.

Để trở thành đối tác của IKEA nói riêng và các nhà bán lẻ đồ nội thất ở Thuỵ Điển nói chung, ông Giafar Safaverdi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn IWAY - Bộ Quy tắc thu mua, cung ứng có trách nhiệm do IKEA xây dựng. IWAY được coi là tiền đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh dành cho các nhà cung cấp của IKEA.

Theo đó, các nhà cung cấp của IKEA cần bảo đảm hoạt động tìm nguồn cung ứng cho các sản phẩm, dịch vụ, vật liệu và linh kiện có trách nhiệm. Bảo đảm hoạt động kinh doanh luôn vì môi trường, xã hội, điều kiện làm việc của người lao động và cả phúc lợi động vật.

“Thực hiện các tiêu chuẩn IWAY cũng là điều kiện tiên quyết và bắt buộc đối với tất cả các đối tác cung ứng và nhà cung cấp dịch vụ khi làm việc với IKEA. Bộ quy tắc IWAY mong muốn đem lại giá trị việc làm có ý nghĩa cho tất cả người lao động, góp phần đem lại thay đổi tích cực tại cộng đồng địa phương trong toàn bộ chuỗi giá trị của IKEA trên toàn cầu”, Giám đốc Khu vực Cung ứng Đông Nam Á, Công ty TNHH Dịch vụ IKEA Việt Nam khuyến nghị.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm