Thị trường

Khuyến khích doanh nghiệp nuôi lợn bằng công nghệ cao

DNVN - Đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng đàn lợn ổn định ở quy mô đầu con có mặt thường xuyên khoảng 30 triệu con, Cục Chăn nuôi nhấn mạnh giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Người chăn nuôi lợn đang "khóc dở, mếu dở" / Sớm có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, bình ổn giá thịt lợn

Nhiều cơ hội mới phát triển chăn nuôi lợn bền vững

Tại hội nghị “Phát triển chăn nuôi lợn bền vững và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi” diễn ra sáng ngày 18/3, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Hội nghị “Phát triển chăn nuôi lợn bền vững và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi”. Ảnh: Hà Anh.

Năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi lợn, đến năm 2016 số lượng cơ sở chăn nuôi lợn của cả nước giảm xuống còn 3,4 triệu; sau đợt khủng hoảng 2017 về giá thịt lợn năm, số cơ sở chăn nuôi lợn còn khoảng 2,5 triệu cơ sở, năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi lợn.

Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 50-60%.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, năm 2021 cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước.

Tuy ngành chăn nuôi đứng trước nhiều khó khăn (liên quan đến dịch COVID-19, dịch tả Châu Phi cũng như sự bất cập trong tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường, chưa phát triển được thương hiệu lợn bản địa, đặc hữu, mức độ cạnh tranh thực phẩm tăng, sức tiêu dùng thịt giảm do dịch bệnh) nhưng hiện có nhiều thời cơ mới đang được mở ra.

Đó là thể chế lĩnh vực chăn nuôi đã được quan tâm và ngày càng hoàn thiện, bảo đảm hài hòa hóa quy định về luật pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thị trường tiêu thụ thịt lợn rộng lớn và sẽ tăng trưởng mạnh khi chuyển sang giai đoạn bình thường với COVID-19, với gần 100 triệu dân trong nước, khách du lịch 15-18 triệu người/năm. Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia là các thị trường tốt cho Việt Nam xuất khẩu thịt lợn choai, lợn sữa.

Việt Nam cũng có nền tảng phát triển mạnh và mức đầu tư ngày một tăng trong chăn nuôi. Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, đóng góp 25,2% GDP cho ngành nông nghiệp. Hiện dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường.

Cùng với đó, sự phát triển và đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ, các chương trình, dự án đầu tư từ các thành phần kinh tế đã và đang tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi lợn phát triển mạnh.

Phấn đấu năm 2025 có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn

Theo Cục Chăn nuôi, trong “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và cụ thể hơn là “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, ngành chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng.

Ngành chăn nuôi lợn sẽ phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn.

Ngành chăn nuôi lợn sẽ phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ.

“Kế hoạch đến năm 2030, tổng đàn lợn ổn định ở quy mô đầu con có mặt thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái dao động khoảng 2,5 triệu con, đàn lợn ngoại nuôi trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%”, Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu này, Cục Chăn nuôi đưa ra 9 giải pháp quan trọng. Đó là triển khai rà soát quy mô đàn lợn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn lợn nái tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức chỉ đạo sản xuất phù hợp theo Chiến lược phát triển chăn nuôi và quy hoạch kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng sinh thái. Chuẩn bị các kịch bản phát triển ngành chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung sau giai đoạn COVID-19.

Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lợn, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.

Đồng thời, tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn.

Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng thông qua việc khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi. Xây dựng và áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống. Khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị và tăng cường kiểm soát môi trường, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm