Bí quyết “bỏ túi” tiền tỷ nhờ chăn nuôi lợn công nghệ cao ở Nghệ An
Doanh nghiệp không còn lúng túng khi có F0 / Người giàu nhất thế giới đang sở hữu bao nhiêu tỷ USD?
Chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao
Đến xã Tân Thành hỏi thăm trại lợn của “tỷ phú nông dân” Nguyễn Văn Thành ai ai cũng biết. Bởi ở xứ này, ông Thành là người đầu tiên áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn cho năng suất cao, lãi lớn.
Trại lợn ông Thành cách trung tâm xã Tân Thành hơn 5km, nằm hun hút ở sâu trong rừng tràm. Nhìn từ bên ngoài, trại nuôi lợn nái của ông Thành xây khá bài bản. Xung quanh tường rào được bao quanh chắc chắn và có cổng sắt là lối duy nhất đi vào trại. Ngoài ra, ông Thành còn lắp đặt camera giám sát trại lợn 24/24h.
Ông Thành chia sẻ: "Mình sinh ra từ nghèo khó, cũng từng làm đủ nghề để có tiền trang trải cuộc sống, trong đó có nghề thu mua lợn. Thấy người ta giàu lên từ chăn nuôi, năm 2011, ông bàn với vợ xây dựng chuồng trại bắt đầu nuôi gia công 600 con lợn nái cho một trại lợn trong vùng. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên đàn lợn của gia đình ông chậm lớn và bị dịch bệnh nên phải tiêu hủy".
Không chịu lùi bước trước khó khăn, ông Thành đã chủ động tự đọc, nghiên cứu sách báo về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn lợn rồi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Những năm sau đó, nhờ chăn nuôi đúng quy trình, kỹ thuật, đàn lợn của ông lớn nhanh, ít dịch bệnh và lần lượt cho ra lò những chú lợn con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Xuất bán lứa đầu tiên, trừ chi phí anh lãi ròng 500 triệu đồng.
Thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi lợn, ông quyết định vay vốn đầu tư con giống và mở rộng diện tích chuồng trại theo hướng công nghiệp cao, lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi như: hệ thống điều hòa làm mát; đèn sưởi ấm, hệ thống hầm bioga…
Nhiều người dân trong vùng cho rằng ông Thành quá mạo hiểm vì giá cả thị trường của vật nuôi này luôn biến động thất thường, nguy cơ dịch bệnh rủi ro cao. Còn đối với ông Thành, chuyển sang “làm ăn lớn” cũng thấy lo nhưng ông tin rằng với hướng chăn nuôi này sẽ mang lại thành công.
Để chủ động con giống và hạn chế dịch bệnh ông Thành đã đầu tư mô hình chăn nuôi khép kín, tự sản xuất lợn con và nuôi lợn thịt đến khi xuất chuồng. Lúc nào trang trại của ông cũng có 3.500 con lợn nái và gần 100.000 con lợn sữa và thịt nuôi gia công ở 13 trang trại trong vùng.
Tạo việc làm cho 150 công nhân, kỹ sư
Ông Thành cho rằng, nuôi lợn theo hướng công nghiệp cao khép kín sẽ giúp con lợn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt nhiều, được thương lái ưa chuộng. Chính vì thế, ông luôn chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, có quy trình chăn nuôi hợp lý, đảm bảo vệ sinh chuồng trại.
Đến nay, ông Thành như một “kỹ sư chăn nuôi” thực thụ, thành thạo mọi việc từ chăm sóc nuôi dưỡng, phối giống, tách đàn, tiêm phòng vắc xin, điều trị bệnh cho lợn.
Trại có 24 chuồng được xây dựng khép kín, có hệ thống điều hòa không khí, lúc nào cũng đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi chỉ từ 26-28 độ C, tạo điều kiện thuận lợi để đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt nhất và chống được dịch bệnh.
Kỹ sư Đào Quang Hùng, người có kinh nghiệm gần 10 năm chăm sóc lợn tại trại Tân Thành chia sẻ, hiện trại có 24 chuồng được xây dựng khép kín, có hệ thống điều hòa không khí, lúc nào cũng đảm bảo nhiệt độ chuồng nuôi chỉ từ 26-28 độ C, tạo điều kiện thuận lợi để đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt nhất và chống được dịch bệnh. Nhờ vậy, thời gian gần đây, trong khi đàn lợn của nhiều trại trên địa bàn huyện bị nhiễm dịch bệnh nhưng đàn lợn tại các trại của ông Thành vẫn an toàn.
“Hiện tại trại lợn nái ở Tân Thành có 70 kỹ sư, công nhân làm việc và ăn ở tại chỗ. Để phòng chống dịch bệnh tôi yêu cầu tất cả mọi người trước khi vào chuồng phải phun khử trùng toàn thân. Ngoài ra, còn có 80 kỹ sư, công nhân chăm sóc lợn thịt tại 13 trại nuôi gia công khác, tất cả họ đều rất yêu nghề và có trách nhiệm với công việc”, ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cho biết thêm, năm 2019, 2020, trại của ông xuất chuồng hơn 100.000 con lợn thịt, với giá trung bình 80 – 100.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi hơn 50 tỷ đồng. Với hình thức chăn nuôi trang trại công nghệ cao, gia đình ông đã giải quyết việc làm cho 150 lao động với mức lương 13-17 triệu đồng/tháng.
Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Mô hình chăn nuôi lợn khép kín, công nghệ cao của gia đình ông Thành cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài phát triển kinh tế, ông Thành còn tạo việc làm ổn định cho 150 lao động tại địa phương. Ông xứng đáng là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi để mọi người cùng học tập, noi theo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo