Kiểm tra và tháo gỡ các quy định gây khó cho doanh nghiệp nông nghiệp
DNVN - Sáng 01/4, Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra các Bộ, cơ quan về các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại diện các bộ, cơ quan và các hiệp hội doanh nghiệp đã đạt được sự nhất trí về hướng giải quyết nhiều vấn đề đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Công bố danh mục các mặt hàng đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành / Kiểm toán Nhà nước yêu cầu rà soát lại gần 900 tỷ đồng tiền hoàn thuế
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng: Chính phủ đã tập trung cải cách, trong năm 2018 đã nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục, danh mục kiểm tra chuyên ngành, nhưng tổng hợp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp cho thấy việc cải cách cần tập trung và thực chất hơn.
Rút kinh nghiệm về áp dụng Thông tư 36 và Thông tư 21
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) phản ánh: Hiện có khoảng 5.400 tấn nguyên liệu hải sản khai thác đang ứ đọng khi nhiều cảng cá không được Bộ NN&PTNT chỉ định là có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cả nước hiện có 83 cảng cá nhưng Bộ mới công bố 47 cảng đủ điều kiện, theo quy định tại Thông tư 21 năm 2018 của bộ.
Liên quan đến Thông tư 36 năm 2018 của Bộ NN&PTNT, VASEP cho biết: Các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ các cảng trung chuyển về Việt Nam phải nộp bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp. Quy định này được cho là không cần thiết, không khả thi nhưng đang gây ách tắc cho nhiều container hàng thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn thừa nhận thực trạng này và cho biết, sẽ bỏ yêu cầu bản sao giấy xác nhận trong Thông tư 36, đồng thời ngay trong tháng 4 này sẽ công bố tiếp các cảng cá đủ điều kiện theo Thông tư 21.
Trong khi đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý Bộ NN&PTNT cần hết sức lưu ý tới quy định chuyển tiếp trong các Thông tư 36 và 21, qua đó đề nghị bộ này tiếp tục có văn bản tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh cuộc làm việc. (Ảnh: Báo DĐDN)
Phải sửa đổi Thông tư 02 theo cách tiếp cận thích hợp
Trước ý kiến cho rằng, thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định như lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi giải thích: Quy định này chỉ áp dụng với thức ăn sản xuất thương mại chứ không áp dụng với các thức ăn tự cung tự cấp của nông hộ.
Do đó, ông khẳng định quy định của Thông tư 02 “hoàn toàn đang vì doanh nghiệp, tạo cơ chế rất tốt”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ sửa đổi Thông tư này theo hướng điều chỉnh phạm vi áp dụng cho phù hợp hơn, theo cách hiểu như trên.
Dù vậy, Tổ trưởng Tổ công tác không đồng tình nếu Bộ NN&PTNT chỉ điều chỉnh như vậy. Cho rằng bộ cần quy định “chọn bỏ”, tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, Bộ nhiệm Mai Tiến Dũng nêu quan điểm và đề nghị Bộ NN&PTNT sửa Thông tư 02 theo hướng này.
Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi quy định về sử dụng muối I-ốt
Cũng tại cuộc làm việc sáng nay, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng lưu ý Bộ Y tế cần chú ý khẩn trương sửa đổi quy định về sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm tại Nghị định 09 năm 2016.
Đại diện Bộ cho biết Bộ đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi quy định này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cần thể hiện bằng hành động cụ thể, thể chế hóa, chứ không phải "cứ tiếp tục, đang tiến hành" suốt 3 năm qua.
Ngoài những kiến nghị liên quan tới Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp còn kiến nghị Bộ Tài chính 5 vấn đề đều liên quan đến thuế. Trong đó, kiến nghị đầu tiên là về Luật số 71 ngày 26/11/2014 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT, dẫn đến sản phẩm phân bón không được khấu trừ thuế VAT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, gây bất lợi cho doanh nghiệp kinh doanh phân bón.
Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp kiến nghị 2 vướng mắc liên quan tới việc đánh giá tác động môi trường kéo dài (45 ngày) lại phải qua Hội đồng thẩm định, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, vướng mắc về các chỉ tiêu trong nước thải chế biến thủy sản sau xử lý.
Bộ KH&CN được kiến nghị các khó khăn vướng mắc khi thiếu hướng dẫn quy định về ghi nhãn hàng hóa liên quan đến các dòng hàng đặc thù của thủy sản.
Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng là giao các Bộ trưởng cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng; tập trung chỉ đạo cải cách hành chính thực chất hơn nữa, quyết liệt xóa bỏ những rào cảnh hành chính, những khoảng trống pháp lý dễ tạo cơ hội cho cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tiếp tục cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu các bộ cần khẩn trương báo cáo Quốc hội, Chính phủ các nội dung cần sửa đổi và ban hành ngay các văn bản sửa đổi các thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ, thể hiện tinh thần tiếp thu nghiêm túc, hành động cụ thể, tiếp tục cắt giảm các thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo