Kinh doanh ngoại hối, chứng khoán sa sút tại nhiều ngân hàng
Báo cáo tài chính (BCTC) quý 3 của các ngân hàng đã hé lộ những con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán 9 tháng đầu năm của các nhà băng lại kém đi.
Đầu tiên phải kể tới "ông lớn" BIDV - đại gia thuộc nhóm "Big 4" cũng chịu thua lỗ trong hoạt động kinh doanh chứng khoán quý 3 vừa qua. Theo BCTC hợp nhất quý 3, mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 266 tỷ. Mua bán chứng khoán kinh doanh có lãi 262 tỷ, giảm 61,5%.
Tại Techcombank, mảng kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh cũng là một nốt trầm. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2019, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận hơn 138 tỷ đồng, giảm đến 44% so với cùng kỳ. Trong quý 3/2019, mua bán chứng khoán kinh doanh của TCB cũng giảm 4% so với cùng kỳ, chỉ còn ghi nhận hơn 111 tỷ đồng.
Một số nhà băng khác mặc dù vẫn ghi nhận lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại hối 9 tháng đầu năm, nhưng lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, như tại BacABank có lợi nhuận giảm tới 68%, vỏn vẹn 3 tỷ đồng; tại OCB lũy kế 9 tháng, lãi thuần từ dịch vụ ngoại hối đạt 79 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước,...
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết cho vay ngoại tệ nhằm theo đuổi mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế, bằng cách chuyển dần từ giao dịch cho vay sang mua – bán ngoại tệ là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu kinh doanh ngoại hối sụt giảm. Đặc biệt, kể từ 1/10/2019, các ngân hàng đã chính thức chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ…
Có thể thấy, vì ngấm đòn nợ xấu nên những năm gần đây các ngân hàng muốn xoay chuyển cơ cấu thu nhập theo hướng tăng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối…, thay vì dựa vào tín dụng như trước. Thế nhưng việc này không hề dễ dàng.
Rốt cuộc, yếu tố khiến các ngân hàng giữ được đà tăng trưởng chính là hoạt động truyền thống: cho vay.
Điển hình, tăng trưởng tín dụng của Techcombank 9 tháng đầu năm nay là 28,7%. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 10.105 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ. Tín dụng giúp Techcombank duy trì phong độ lợi nhuận 9 tháng đầu năm, bất chấp các nguồn thu ngoài lãi khác đều giảm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Giá nông sản ngày 5/11/2024: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu giữ giá