Thị trường

Kinh doanh nước sạch: Lỗ hổng quản lý đối với thị trường béo bở

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng nước tại một số khu vực ở thủ đô trong những ngày gần đây cho thấy lỗ hổng quản lý và trách nhiệm quản lý đối với thị trường kinh doanh nước sạch đầy béo bở mà lâu nay Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho tư nhân cấp nước sạch phục vụ người dân.

Trong quá trình thị trường hóa áp dụng cơ chế thị trường dẫn đến việc khi nảy sinh vấn đề về chất lượng thì ai là người kiểm soát chất lượng nguồn nước? Có luồng ý kiến cho rằng có cần xem xét lại dịch vụ cung cấp điện, nước hay không? Liệu mở cửa thị trường để cho các DN tư nhân vào có hiệu quả không, định hướng đó có đúng không và cần phải tiếp tục như thế nào?

Sự bất cập trong dịch vụ công

Tại cuộc Tọa đàm có chủ đề "Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ 'Nước sạch sông Đà" do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Sỹ Dũng - chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hàng triệu người dân Hà Nội đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải.

Theo vị TS này, Công ty Nước sạch Sông Đà phản ứng chậm, bởi sau một thời gian dài khi người dân đã uống no bụng nước bẩn, bị ảnh hưởng ghê gớm lắm rồi thì Sông Đà mới ra thông báo. Phản ứng của công ty đối với sức khỏe, sinh mệnh của người dân - khách hàng là rất chậm.

"Liệu có chuyện giấu giếm chất lượng nước hay không, có việc thiếu tinh thần trách nhiệm ở đây hay không, đạo đức trong cung cấp dịch vụ công có vấn đề hay không?", ông Nguyễn Sỹ Dũng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Dũng đánh giá, phản ứng của chính quyền theo nguyên tắc "im lặng là vàng". Dường như chính quyền TP Hà Nội bền bỉ theo nguyên tắc này, phản ứng rất chậm.

TS Nguyễn Sỹ Dũng trao đổi tại tọa đàm.

"Đã cho tư nhân tham gia dịch vụ công thì vai trò của chính quyền rất lớn. Cho dù doanh nghiệp trực tiếp hay không trực tiếp cung cấp, thì chính quyền cũng có liên đới trong việc thanh tra kiểm tra, quản lý chất lượng, và phản ứng trước cách thức hoạt động của dịch vụ công. Ở đây có vẻ như chính quyền còn phản ứng chậm hơn cả Công ty sông Đà", ông Nguyễn Sỹ Dũng nhìn nhận.

Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Sỹ Dũng đã đưa ra một loạt câu hỏi: Chuyện đổ dầu thải vào nguồn nước là hành vi cố ý hay không cố ý? Có các động lực để đổ dầu thải vào gây hại cho hệ thống cung cấp nước sạch hay không? Có chuyện cạnh tranh giữa các công ty cung cấp nước sạch với 1 thị trường béo bở như thế này không?

"Một số dịch vụ công nếu chúng ta cho tư nhân cung cấp thì đó là miếng bánh hết sức béo bở. Bởi nhu cầu về uống cà phê có thể có hoặc không, sáng có thể uống cà phê, chiều có thể không uống thứ nước này nữa. Cầu về đi chơi du lịch có thể có trong tháng 6, tháng 6 có thể không. Nhưng cầu không bao giờ thay đổi, đó là cầu về nước, điện. Làm kinh tế thị trường, kinh doanh có nguồn cầu ổn định và lớn thì đó là cơ hội vàng. Mà đã là cơ hội vàng thì miếng bánh lớn vô cùng. Như vậy, có sự cạnh tranh không lành mạnh ở đây để chiếm thị phần cung cấp nước sạch hay không?", ông Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ.

Khi cung cấp các dịch vụ công phải đảm bảo các nguyên tắc: tính liên tục của dịch vụ, quyền tiếp cận bình đẳng của người dân và mức giá phù hợp. Theo đó, với nguyên tắc tính liên tục của dịch vụ, đơn vị cung cấp nước không thể để xảy ra tình trạng cắt nước như những ngày vừa qua.

Sự bất cập trong dịch vụ công của Việt Nam mà điển hình là vụ nước sạch sông Đà, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên nhân đến từ việc quá trình thực hiện đang xa rời so với các nguyên tắc. Ông nhấn mạnh, đối với các dịch vụ công, Nhà nước cần phải định giá được thương quyền của mình để đưa ra sự “mặc cả” hợp lý với doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo một mức giá phù hợp cho người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Tiến Lập khẳng định, vấn đề xử lý trong khủng hoảng quản trị dịch vụ công quả thực có vấn đề. Nếu không giải quyết vấn đề quản trị dịch vụ công và xử lý khủng hoảng này thì những sự cố sông Đà và Rạng Đông còn lặp đi lặp lại và người dân lãnh đủ.

Để giải quyết vấn đề này, luật sư Lập nhấn mạnh sự cần thiết ra đời của một Luật Dịch vụ công cũng như vai trò của chính quyền trong việc bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người tiêu dùng.

"Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy khoảng trống rất lớn trong hành lang pháp lý, thể chế bảo vệ quyền, sức khỏe, an toàn, tính mạng của người dân trong cuộc sống đời thường. Khoảng trống này là gì? Đó là các khuôn khổ pháp lý về cung cấp dịch vụ công nói chung và cung cấp các dịch vụ thiết yếu về nước sạch nói riêng. Đây cũng là căn nguyên của vấn đề, và chừng nào căn nguyên này chưa được giải quyết, thì các vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra.Vì vậy khoảng trống này phải được lấp càng sớm càng tốt", Luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.

Cần lựa chọn doanh nghiệp có tâm, có tầm sản xuất và cung cấp nước sạch

Cũng đề cập tới cuộc khủng hoảng nước sạch sông Đà, tại Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến “Nước và không khí trong phát triển Công trình Xanh” do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Tập đoàn Capital House phối hợp tổ chức chiều 22/10 vừa qua, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng phát biểu, khi vụ việc sông Đà xảy ra thì mới thấy lỗ hổng, đây không phải lỗ hổng về văn bản pháp luật, mà đây là lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý.

"Tôi xin khẳng định, để nước nhiễm bẩn, Công ty CP Nước sạch Sông Đà đã vô trách nhiệm với dân. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm trong việc này, gồm cơ quan quản lý ngành dọc là Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý địa phương là tỉnh Hòa Bình, cơ quan chịu trách nhiệm liên đới là Sở Y tế…", bà An nói.

PGS.TS Bùi Thị An. (Ảnh: Reatimes)

Theo bà Bùi Thị An, kinh doanh nước sạch là kinh doanh có điều kiện nên rất đặc thù. Về nguyên tắc, những công ty kinh doanh nước sạch phải đảm bảo chất lượng nước sạch đến từng người dân nhưng ở Việt Nam lại xảy ra một thực tế là nhiều doanh nghiệp bất động sản lại phải làm thay việc của nhà máy nước sạch, đảm bảo nguồn nước cho cư dân thông qua việc tự thiết kế các công trình lọc nước trong tòa nhà.

Do đó, bà An đề xuất nên xã hội hóa, để chính các nhà đầu tư bất động sản tham gia vào kinh doanh nước sạch, chịu trách nhiệm về nguồn nước mà họ cung cấp cho cư dân thay vì chỉ để một vài đầu mối cung cấp như hiện nay, nguồn lực kém, chất lượng không đảm bảo.

"Những nhà đầu tư có tâm, có tầm hoàn toàn có thể đầu tư, sản xuất nước sạch phục vụ cho chính cư dân của họ. Tôi cho rằng, với dịch vụ cung cấp nước sạch, nên đấu thầu minh bạch. Như vậy vừa giảm giá thành, vừa đảm bảo chất lượng nước cho người dân để không tái diễn tình trạng khủng hoảng nước sạch như vụ Sông Đà. Trên mặt bằng cạnh tranh thì người dân, Nhà nước sẽ có lợi hơn”, bà An nói.

Cũng trong chiều ngày 22/10, bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Trong vụ việc vừa qua, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, kế đó là công an địa phương.

Theo ông Hoàng Trung Hải, qua sự việc này, các sở, ngành, doanh nghiệp của Hà Nội sẽ phải rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra các quy định để bắt buộc những đơn vị muốn trở thành nhà đầu tư cung cấp nước phải đáp ứng được. Nếu doanh nghiệp cung cấp nước không đạt chuẩn cho người dân kiên quyết cắt bỏ, không cho doanh nghiệp đó quyền cấp nước nữa. Là đơn vị cung cấp những dịch vụ thiết yếu thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của cơ quan chức năng đưa ra.

Thiết nghĩ, dịch vụ công này cần được thị trường hóa một cách công khai, minh bạch để lựa chọn được những doanh nghiệp có tâm, có tầm tham gia sản xuất và cung cấp nước sạch nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo