Thị trường

Kinh doanh xăng dầu ngắc ngoải bởi một mớ “giấy phép con”

(DNVN) - “Giấy phép con” được quy định trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các văn bản liên quan đang làm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ ngắc ngoải.

Petrolimex cạnh tranh xăng dầu kiểu “ông lớn” / "Bảo bối" hành chính của cơ quan quản lý "hành" DN xăng dầu là gì?

Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định về Thương nhân phân phối: Có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trở lên, bao gồm tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu, tối thiểu 10 cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Giấy phép này do Bộ Công thương cấp.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định đối với Tổng đại lý: Có hệ thống phân phối xăng dầu, bao gồm tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu, tối thiểu 10 cửa hàng thuộc các đại lý bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Giấy phép này do Sở Công thương cấp.
Thương nhân phân phối và Tổng đại lý là tập hợp của nhiều đại lý. Nói cách khác, Thương nhân phân phối và Tổng đại lý là những người bán buôn, còn đại lý là người bán lẻ. Các đại lý bán lẻ xăng dầu đã có những quy định rất chặt chẽ từ khâu quy hoạch (mới bỏ từ đầu năm 2018, nhưng văn bản hướng dẫn vẫn chưa bỏ hoàn toàn), tiêu chuẩn thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế phòng cháy, chữa cháy, đề án bảo vệ môi trường, chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ ...và gần đây nhất là ứng phó sự cố tràn dầu. Khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nên trên, đại lý sẽ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Các đại lý thực tế phải đủ điều kiện mới hoạt động được, nếu không cơ quan quản lý thị trường sẽ ngay lập tức “tuýt còi” và xử phạt theo Nghị định 67 đến vài chục triệu đồng hoặc thu hồi giấy chứng nhận.
Nhiều thương nhân xăng dầu phản ánh, thủ tục xin cấp đất để xây dựng một cửa hàng xăng dầu mới thường mất khoảng 2 đến 3 năm và hệ thống khoảng 28 con dấu các loại, qua 7 sở và hai đến ba cấp uỷ ban (UNND phường, UBND quận và UBND thành phố). Từ thực tiễn đó cho thấy, nhiều loại giấy chứng nhận được quy định trong Nghị định 83 và các văn bản liên quan thực chất là các loại “giấy phép con” cho Thương nhân phân phối, Tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu là không cần thiết, nếu không muốn nói là để “hành” doanh nghiệp đến ngắc ngoải, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những ý kiến đóng góp của thương nhân kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý về “Cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp?” được thể hiện dưới dạng bài viết phân tích, phản ánh, phản biện…sẽ được Ban Biên tập xem xét đăng tải trên Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn). Ý kiến của quý độc giả xin được gửi về địa chỉ E-mail của Tạp chí điện tử: bbt.doanhnghiepvn@gmail.com hoặc địa chỉ tòa soạn: Phòng 1005, nhà D, Khách sạn Thể thao, số 15 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. BBT đề nghị tác giả của bài viết ghi rõ họ tên, địa chỉ (E-mail, số điện thoại) để tòa soạn tiện liên hệ.


Linh Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo