Kinh doanh

Cần ban hành cơ chế chọn lọc, ưu đãi đầu tư kinh doanh có trách nhiệm

DNVN - Tại hội thảo "Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam", nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự khuyến nghị cần ban hành cơ chế chọn lọc, ưu đãi thu hút đầu tư kinh doanh có trách nhiệm.

Tổng thư ký VCCI: Kinh doanh có trách nhiệm là điều cần phải làm của doanh nghiệp / Mức độ nhận thức của doanh nghiệp về kinh doanh có trách nhiệm vẫn còn thấp

Nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm chưa đáp ứng mục tiêu

Hội thảo do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam và Bộ Tư pháp tổ chức sáng 7/4 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Hưng Quang thay mặt nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự đã trình bày kết quả nghiên cứu "Đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”. Báo cáo này nằm trong khuôn khổ Dự án Kinh doanh có trách nhiệm do UNDP Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển.

Hội thảo "Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam". (Ảnh: Hà Anh).

Ông Quang cho biết, nhiều quy định pháp luật liên quan đến quy định kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam hiện chồng chéo, mâu thuẫn, dẫn đến khó thực thi. Một số quy định mới có hiệu lực nhưng lại chưa có hướng dẫn tổ chức thực thi hoặc mới có văn bản hướng dẫn.

Hiện vẫn còn thiếu sự kết nối giữa chương trình hành động quốc gia với hoạt động thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong các lĩnh vực môi trường, chống biến đổi khí hậu, lao động, bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo vệ người dân tộc thiếu số, bảo vệ người tiêu dùng.

Trong khi, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu sắc với nhiều cam kết quốc tế về bảo đảm các nội dung liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tự do kinh doanh, bảo hộ đầu tư, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của hội nhập.

“Nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của nhiều cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp chưa đáp ứng được mục tiêu của các chính sách, quy định pháp luật và Hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc (UNGPs) nên hiệu quả của thực hành kinh doanh có trách nhiệm chưa cao”, ông Quang nhấn mạnh.

Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm chỉ để bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, yêu cầu của đối tác kinh doanh trong chuỗi cung ứng mà chưa thực hiện hành vi kinh doanh có trách nhiệm thực chất.

Việc công khai và minh bạch thông tin về kinh doanh có trách nhiệm chưa được chú trọng ở nhiều lĩnh vực dẫn đến những tranh chấp tập thể trong lĩnh vực đất đai, lao động, môi trường gây bức xúc xã hội.

Cùng với đó, cơ chế khắc phục bằng thủ tục tố tụng tư pháp (toà án) có nhiều khó khăn cho người dân tiếp cận, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương. Cơ chế giải quyết tranh chấp lựa chọn (trọng tài, hoà giải) ở các lĩnh vực môi trường, đất đai, bảo vệ người tiêu dùng, lao động chưa được Nhà nước hỗ trợ để phát triển.

Khuyến khích doanh nghiệp thực hành qua chỉ số phát triển bền vững

Để giải quyết những bất cập nêu trên, nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự đề xuất cần phải có các biện pháp có tính đồng bộ và thống nhất đối với các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp thực hành qua chỉ số phát triển bền vững.

Cụ thể, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước liên quan cần khẩn trương xây dựng và ban hành “Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” (NAP) theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/08/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nghị quyết của quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm như xây dựng và ban hành cơ chế chọn lọc, ưu đãi và khuyến khích, hỗ trợ xây dựng cơ chế tự quản (như quy tắc ứng xử trong hoạt động kinh doanh), thực hiện cơ chế giám sát, thanh tra công bằng và hiệu quả, nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết vướng mắc, khiếu nại.

Hoàn thiện các quy định liên quan đến việc hình thành và hoạt động của tổ chức của người lao động, tổ chức xã hội để phát huy vai trò đại diện cho các đối tượng yếu thế trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; tăng cường công khai các thông tin liên quan đến các nội dung về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, cơ chế về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong nội bộ doanh nghiệp và trong các chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp cần thực hành kinh doanh có trách nhiệm thông qua việc xây dựng các cơ chế tự khắc phục và phòng ngừa, như thủ tục và nguyên tắc giải quyết khiếu nại, các quy chế, quy tắc về quản trị nội bộ, ứng xử, đạo đức kinh doanh.

Xây dựng các phương án thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo quy định của pháp luật và các xu hướng thực hành kinh doanh có trách nhiệm quốc tế.

“VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần nghiên cứu các cơ chế khuyến khích thành viên, hội viên thực hành kinh doanh có trách nhiệm, như thông qua việc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững (Vietnam Sustainability Index), Chỉ số kinh doanh liêm chính…”, nhóm nghiên cứu NHQuang & Cộng sự khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo