Costa Crociere S.p.A. đề xuất phát triển du lịch tàu biển trong nội hải Việt Nam bằng tàu 4 – 5 sao quốc tế
Đà Nẵng chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão / Đà Nẵng: Lấy ý kiến đối với đề xuất kinh doanh “Du lịch tàu biển nội hải Việt Nam”
Đưa 2 tàu biển 4 – 5 sao quốc tế khai thác khách Việt Nam du lịch nội hải
Như tin đã đưa, Cục Hàng hải Việt Nam đang lấy ý kiến một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu, Kiên Giang và các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đối với đề xuất của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải hàng hải Thiên Ý và Hãng tàu khách Costa Crociere S.p.A. về thực hiện dự án kinh doanh “Du lịch tàu biển trong nội hải Việt Nam”sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Tàu du lịch biển quốc tế cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).
Những năm qua, Hãng tàu Costa Crociere S.p.A. liên tục có nhiều chuyến du thuyền đưa du khách nước ngoài đến các cảng Hạ Long, Chân Mây, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Mỹ - Thị Vải, TP.HCM, Phú Quốc tham quan, du lịch Việt Nam. Hãng này cũng đã tiếp tục đăng ký với các cảng Việt Nam lịch trình của nhiều chuyến trong các năm 2020, 2021, 2022 và sẽ thực hiện ngay sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế thành công.
“Costa Crociere S.p.A. cũng là hãng tàu kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch địa phương ở các tuyến nội hải của Trung Quốc, Nhật Bản, Úc… và các nước khác trong khu vực rất thành công. Hãng tàu này nhận ra rằng Việt Nam với bờ biển rất dài có thể phát triển thị trường du lịch tàu biển cấp 4 – 5 sao” phục vụ cho du khách tại vùng ven biển Việt Nam!” – bà Nguyễn Thị Lê Minh cho hay.
Theo bà, nhận thấy tiềm năng nhu cầu du lịch biển cao cấp của người Việt Nam khi kinh tế đất nước ngày càng phát triển bền vững, Hãng Costa Crociere S.p.A. có kế hoạch phát triển hướng kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng thị trường mới ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế thành công. Hãng đã tích cực xây dựng dự án nhằm xin phép các cơ quan chức năng được đưa 02 tàu khách tiêu chuẩn 4 – 5 sao vào phục vụ tại thị trường du lịch đường biển nội hải của Việt Nam.
Gồm tàu Costa Mediterranea (85,000 GRT) và tàu Costa Venezia (135,000 GRT). Trong đó, tàu Costa Venezia ngay sau khi xuất xưởng năm 2019 đã chạy chuyến đầu tiên đưa khách đến các cảng Phú Mỹ, Đà Nẵng, Chân Mây, Hạ Long và sau đó thường xuyên đưa khách đến Việt Nam.
Không có yếu tố cạnh tranh nội địa với các doanh nghiệp vận tải, du lịch Việt Nam
Theo bà Nguyễn Thị Lê Minh, hiện có nhiều người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có khả năng thụ hưởng du lịch tàu biển chất lượng cao với giá dịch vụ hợp lý mà không cần phải xuất ngoại. Tuy nhiên hiện nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có khả năng tài chính đầu tư phương tiện cũng như kinh nghiệm quản lý, quản trị các du thuyền cao cấp phục vụ cùng lúc cho 2.000 – 6.000 khách/01 tàu/01 lịch trình tour từ 03 đến 07 hoặc 10 ngày (từ Bắc đến Nam và ngược lại).
Mô tả về dự án “Du lịch tàu biển trong nội hải Việt Nam” của Hãng Costa Crociere S.p.A., bà Nguyễn Thị Lê Minh cho biết, dự án này không có yếu tố cạnh tranh nội địa với các doanh nghiệp vận tải, du lịch Việt Nam. Do lẽ, các tàu du lịch/du thuyền cao cấp này không kinh doanh vận chuyển khách trực tiếp từ cảng/địa phương này đến cảng/địa phương khác của Việt Nam. Thay vào đó, họ kinh doanh phục vụ du khách trên tàu thong thả rong chơi, hưởng thụ chất lượng dịch vụ du lịch cao cấp (chuẩn 4 – 5 sao) trên tàu trong thời gian 3 ngày, 7 ngày hoặc 10 ngày/chuyến nhập tàu.
Các tàu này cũng không có nhu cầu phải đưa khách đi/đến các địa điểm cảng, thành phố nhanh nhất; không bán vé vận chuyển mà chỉ bán vé tour du lịch bằng du thuyền cao cấp. Vì vậy các tàu này không cạnh tranh dịch vụ vận chuyển khách với các phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa, đường thủy ven biển trong lãnh thổ Việt Nam.
Đối với du lịch nội địa, theo bà Nguyễn Thị Lê Minh, các công ty du lịch của Việt Nam sẽ phục vụ khách du lịch ở Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam, tham gia chào bán tour du lịch cho khách lên tàu và tham gia các phương thức phục vụ du khách như phục vụ cho các tàu khách nước ngoài đến các cảng Việt Nam hiện nay.
Lý do chọn Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Mỹ - Thị Vải, Phú Quốc là các điểm cảng chính
Về lịch trình của tàu khách, theo dự án, tàu sẽ hoạt động giữa một điểm cảng chính của Việt Nam gồm Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Mỹ - Thị Vải, Phú Quốc là các điểm cảng chính của lịch trình nội hải. Tàu có thể xuất phát từ cảng Việt Nam, đưa du khách du ngoạn trên biển 01 – 02 ngày rồi về lại cảng Việt Nam.
Tại các cảng này, các công ty du lịch nội địa đón khách lên bờ đi tham quan trong 08 – 10 giờ/01 cảng, rồi tàu thay đổi khách hoặc tiếp tục lên tàu (theo lịch trình khách đã mua tour) để được tàu phục vụ tiếp trong thời gian tàu đi đến cảng khách theo lịch trình nội hải.
Về lý do Hãng tàu Costa Crociere S.p.A. chọn các điểm cảng nêu trên, bà Nguyễn Thị Lê Minh cho biết, với kinh nghiệm và ghi nhận thực tế trên 20 năm đưa du thuyền cập cảng Việt Nam, hãng tàu này xác định Việt Nam có nhiều cảng mà du thuyền lớn có thể cập, đậu an toàn; tuy nhiên với dự án này, hãng tàu có cân nhắc các yếu tố ưu tiên.
Cụ thể, các cảng Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Mỹ - Thị Vải ngoài vị trí gần các trung tâm du lịch còn có các trung tâm cung ứng vật tư kỹ thuật, nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm, thay đổi thuyền viên, đón trả du khách, kết nối giao thông rất thuận tiện.
Đối với đảo Phú Quốc, từ vị trí neo tàu đến bến Dương Đông chỉ 500m và rất êm sóng. Cảng TP.HCM là địa điểm lý tưởng cho du thuyền và du khách, song chiều dài tàu và thời gian vào/ra cảng bị hạn chế đối với cỡ tàu của dự án này.
Về tour du lịch liên quan đến tàu khách, theo dự án, du khách được du ngoạn trên biển, thụ hưởng chất lượng phục vụ cao cấp trên tàu, đồng thời có thể đăng ký tham quan du lịch các địa điểm nổi tiếng, thuận tiện trên đất liền của Việt Nam, gần các cảng Việt Nam mà tàu ghé theo lịch trình.
Các tour du lịch nội địa, đón trả khách tại các cảng sẽ do các công ty du lịch Việt Nam đảm nhiệm, kinh doanh như các chuyến tàu đưa khách quốc tế đến các cảng Việt Nam từ trước đến nay. Về vấn đề an ninh quốc phòng, theo bà Nguyễn Thị Lê Minh, các cơ quan biên phòng tại các cảng Việt Nam đã nhiều năm đón tàu khách quốc tế nên có đủ kinh nghiệm để quản lý an ninh tàu, hành khách tại các cảng Việt Nam.
Phương thức kinh doanh du lịch đường biển mới ở Việt Nam
Theo bà Nguyễn Thị Lê Minh, dự án này có thể là phương thức kinh doanh du lịch đường biển mới ở Việt Nam, đem lại nhiều lợi ích và tầm nhìn tích cực hơn nữa cho người tiêu dùng dịch vụ này ở Việt Nam. Du lịch Trung Quốc, Nhật Bản mới áp dụng phương thức này khoảng 3 – 4 năm gần đây và được người dân hưởng ứng rất tích cực, đem lại hiệu quả cho các bên tham gia dịch vụ.
Với dự án này, du khách Việt Nam sẽ nhanh chóng được thụ hưởng du lịch tàu biển chất lượng cao mà không phải mất nhiều năm chờ đợi sự đầu tư tốn kém cho tàu du lịch hạng sang ở Việt Nam, hoặc phải bay qua Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia… nhập tàu du lịch nước ngoài như hiện nay, rất tốn kém mà chỉ số ít người Việt Nam có khả năng tài chính để thực hiện.
“Dự án cũng sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động Việt Nam làm việc trên du thuyền đẳng cấp quốc tế và mở rộng phát triển các dịch vụ nội địa liên quan. Vì vậy chúng tôi mong các cơ quan hữu quan có hướng dẫn và quyết định đột phá để Hãng tàu được cấp phép triển khai sớm nhất có thể ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế thành công.
Qua đó tạo điều kiện mang đến phương thức kinh doanh những sản phẩm du lịch ven biển bằng du thuyền 4 – 5 sao, đáp ứng được mong đợi nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam” – bà Nguyễn Thị Lê Minh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo