Kinh doanh

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Cần tận dụng tối đa các cơ hội thu hút đầu tư từ Ấn Độ

DNVN - Việt Nam và Ấn Độ có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực tiềm năng. Việt Nam có thế mạnh nổi trội như chế biến thực phẩm, nông nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực 2 quốc gia có thể liên kết lâu dài. Bên cạnh đó, Việt Nam có kinh nghiệm tốt về thúc đẩy du lịch.

Thương mại song phương Việt Nam- Canada tăng 6,6% năm 2020 nhờ CPTPP / Bắp cải Trung Quốc màu lạ, hút khách vào dịp cận Tết

Tại “Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ” do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và Tập đoàn Vina Capital tổ chức bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng 22/01/2021, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Ấn Độ có bề dày lịch sử từ những kết nối văn hóa – tôn giáo từ hơn 2000 năm trước cho đến sự ủng hộ lẫn nhau trong suốt quá trình đấu tranh của thế kỉ 20 và tới nay là quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với nhiều lợi ích song trùng.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại diễn đàn.
Chia sẻ về quá trình phát triển nổi bật trong quan hệ hai nước, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết: Thương mại song phương bùng nổ từ khoảng 200 triệu USD từ những năm 1990 đến 12 tỷ USD những năm gần đây; đường bay thẳng được thiết lập giúp rút ngắn hơn một nửa thời gian và chi phí di chuyển so với trước đây; cơ chế hợp tác đa dạng, năm nào cũng trao đổi chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao... Báo chí Ấn Độ ca ngợi Việt Nam về thành công kiểm soát Covid-19 và là một trong ít nước trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong năm 2020 còn Ấn Độ được biết đến với một góc nhìn mới về tiềm lực kinh tế đáng nể sau đám cưới tỷ phú tại Phú Quốc.
Đặc biệt, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh một số tiềm năng của Ấn Độ về nguồn tài chính tín dụng khi rất nhiều quỹ đầu tư hàng đầu thế giới được dẫn dắt bởi các quản lý người Ấn và hiện cũng đang có những dự án tiềm năng trị giá hàng trăm triệu USD muốn đầu tư tại Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghệ nguồn cũng như trình độ khoa học kĩ thuật tốt, đặc biệt trong các lĩnh vực như IT, hạt nhân dân sự, kinh tế số; nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, IT, hàng không, khách sạn.
Trong hợp tác kinh tế thương mại với Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu chỉ ra mặt thuận lợi gồm thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng; đòi hỏi của thị trường với chất lượng sản phẩm đa dạng, có khả năng cung cấp nhiều nhóm nguyên liệu, sự coi trọng giá trị cộng đồng, tình bạn nên có khả năng tạo ra sự linh hoạt trong làm việc, sự gần gũi về văn hóa, tương đồng về tôn giáo và lợi ích chiến lược.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng nêu ra một số điểm gây hạn chế cho hợp tác như độ mở của thị trường Ấn Độ chưa lớn, Chính phủ quản lý nhập khẩu khá chặt chẽ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa, nhất là trong bối cảnh thúc đẩy triển khai “Chính sách Tự cường” phát triển sản xuất trong nước.
Với những thuận lợi trên, Đại sứ Phạm Sanh Châu mong muốn các tỉnh thành có sự quan tâm hơn tới thu hút đầu tư từ Ấn Độ và các doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, tìm hiểu về văn hóa kinh doanh cũng như các vấn đề pháp lý, tranh chấp để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển tại thị trường Ấn Độ rộng lớn.
Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ hiện đạt khoảng 30 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực như dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, hóa chất… Trong khi đó, Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam đạt 900 triệu USD, nếu tính các nước thứ 3 thông qua Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam là 1,9 tỷ USD.
Theo ông Pranay Verma, trong thời gian tới, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa ở các lĩnh vực tiềm năng. Theo đó, Việt Nam có thế mạnh nổi trội như chế biến thực phẩm, nông nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ thông tin cũng là lĩnh vực 2 quốc gia có thể liên kết lâu dài.
Bên cạnh đó, Việt Nam có kinh nghiệm tốt về thúc đẩy du lịch – đây là lĩnh vực chiến lược thúc đẩy kinh tế. Ấn Độ sẵn sàng mở ta nhiều phương án để doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm