Thị trường

Nam Trung bộ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

"Phát triển kinh tế xanh... khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn" - là nội dung được đề cập trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII.

Thương mại song phương Việt Nam- Canada tăng 6,6% năm 2020 nhờ CPTPP / Bắp cải Trung Quốc màu lạ, hút khách vào dịp cận Tết

“Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ khí thải nhà kính, các bon thấp, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” - là nội dung được đề cập trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII. Đây cũng là vấn đề đang được các tỉnh Nam Trung bộ như Khánh Hòa, Phú Yên thực hiện trong việc kêu gọi đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển bền vững hơn.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên là vùng nuôi tôm hùm lồng lớn nhất nước. Trong mấy năm gần đây, tại nơi này thường xuyên xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt, người dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân chính của tình trạng này do phong trào nuôi tự phát, mật độ lồng nuôi gấp 3 lần so với khuyến cáo, phá vỡ quy hoạch. Con giống trôi nổi, thức ăn chủ yếu cá tạp, thức ăn thừa, rác thải không được thu gom cũng là những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nuôi, tôm chết hàng loạt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khảo sát trồng cây ăn quả tại tỉnh Khánh Hòa.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, tạo thành các chuỗi liên kết... là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Phú Yên trong năm 2021.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong sản xuất nông nghiệp chỉ có kinh tế tuần hoàn mới giúp bảo vệ môi trường, chia sẻ lợi nhuận trong quá trình sản xuất.

“Việc điều chỉnh lại đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang sớm hoàn thiện, triển khai gấp gắn liền với trạng thái bình thường mới, kinh tế chuỗi. Đầu ra của sản phẩm này chính là đầu vào của sản phẩm khác, kinh tế tuần hoàn đấy” - ông Trần Hữu Thế nói

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi, đưa ra khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện nhỏ tại khu vực rừng, núi. Những dự án này công suất nhỏ nhưng chiếm nhiều diện tích đất rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Với lợi thế có cảng biển nước sâu, tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi, thúc đẩy các dự án điện khí với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ USD, thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thì tỉnh này có ngành dịch vụ - du lịch phát triển, các lĩnh vực khác như nông nghiệp cần liên kết tạo thành chuỗi sản phẩm phục vụ du lịch, nâng cao giá trị, tăng mức chi tiêu của du khách thay vì chỉ du lịch biển, đảo như hiện nay. Ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, phát triển nông trại, nông sản cũng cần được định hướng phục vụ du lịch để tạo nên tính tuần hoàn của kinh tế.

 

“Hướng của tỉnh phát triển về công nghiệp năng lượng, còn đối với nông nghiệp ngoài du lịch sinh thái, tạo ra cho được nông nghiệp công nghệ cao. Rau, củ, quả, hoa phục vụ cho du lịch. Dần dần phải giảm cho được các loại cây hao nước. Chuẩn bị nguồn nước cho công nghiệp, sinh hoạt. Mặt khác, đối với cây trồng sử dụng nước nhiều, chúng tôi đang chuyển hướng, đổi mới các loại giống” - ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Các tỉnh Nam Trung bộ núi sát biển, các con sông đều ngắn và dốc cao, đồng bằng nhỏ hẹp, manh mún, chỉ chiếm 1/10 tổng diện tích tự nhiên. Vùng đất này thường xuyên đối mặt với hạn hán, bão lũ. Trong bối cảnh biến đối khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan buộc các địa phương phải tìm cách nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Phát triển dựa vào sự “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường là giải pháp bền vững. Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã xác định xây dựng một nền nông nghiệp “thông minh và đặc hữu”.

Nhiều lần tôm hùm ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã bị chết hàng loạt.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương phải chắt chiu vùng đồng bằng nhỏ hẹp, hạn chế về nước tưới để tái cơ cấu, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao... đó là cách xoay chuyển linh hoạt, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, các địa phương đang xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, tích hợp các quy hoạch ngành và tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch mới tiếp tục thực hiện quan điểm xây dựng quy hoạch theo hướng “phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường,” kinh tế dựa trên phát triển chặt chẽ tài nguyên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sắp đến, kinh tế nước ta phải chuyển đổi từ một nền “kinh tế nâu” sang nền “kinh tế xanh”, phải chuyển từ việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch sang các nguyên liệu thân thiện với môi trường, phải giữ được không gian sống xanh cho con người.

Ông Trần Hồng Hà cho rằng quá trình quy hoạch, chấp thuận các dự án đều phải lấy môi trường làm tiêu chí hàng đầu: “Quyết định tiêu chí để lựa chọn các dự án đầu tư phải dựa trên khả năng chịu tải, chịu đựng của môi trường. Quy hoạch cấp tỉnh lần đầu tiên chúng ta tiếp cận cách này. Trong đó có thích ứng biến đổi khí hậu, nhạy cảm, rủi ro trước thiên tai, khoanh vùng để nơi nào làm công nghiệp, nơi nào sẽ bảo vệ tuyệt đối để du lịch. Chúng ta nên đi trước một bước quy hoạch, bước thứ hai là thiết kế đồng bộ hạ tầng. Nó giải quyết được vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và vấn đề ngập lụt”.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm