Kinh doanh

DN phải có cơ chế bồi hoàn tài chính, đền bù thỏa đáng khi người tiêu dùng gặp phải sản phẩm kém chất lượng

DNVN - Để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần đưa ra cơ chế dễ dàng và hiệu quả để người tiêu dùng có thể được bồi hoàn tài chính và đền bù thỏa đáng nếu như họ gặp phải các sản phẩm kém chất lượng hay dịch vụ chưa tốt và phải chịu thiệt hại.

88% người tiêu dùng quan tâm đến Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" / Người tiêu dùng Việt không chỉ quan tâm đến hàng khuyến mại

Sáng ngày 25/9/2020 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị “Triển khai chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng và hệ thống tổng đài 1800 6838” do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức nhằm triển khai các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong thời gian tới.

Các hoạt động được triển khai là kết quả thực hiện các Đề án của Bộ Công Thương nằm trong khuôn khổ Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục Trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là chủ thể có vị trí quan trọng quyết định đến sự thành công của công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Hiện nay Chính phủ Việt Nam xác định việc kích cầu tiêu dùng là một trong những mục tiêu chiến lược nhằm đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế. Để phát huy được điều này thì sự tham gia của chủ thể doanh nghiệp và người tiêu dùng là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục Trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu khai mạc hội nghị.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục Trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu khai mạc hội nghị.

Với việc triển khai 2 đề án Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng và Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800 6838, Bộ Công Thương mong muốn góp phần tạo dựng công cụ hữu ích để doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức cá nhân liên quan có thể tận dụng khai thác để có thể đạt được những kết quả nhất định.

Cũng tại hội nghị, ông Daniel Hermann, Đại diện Dự án Bảo vệ người tiêu dùng Asean cũng cho rằng: Hoạt động bảo vệ người tiêu dùng chỉ có thể diễn ra hiệu quả nếu có được nỗ lực từ các bên liên quan. Điều đó có được không chỉ bao gồm sự phối kết hợp của các cơ quan, Chính phủ, nhà điều hành nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Theo ông Daniel, việc bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng là việc các doanh nghiệp cần đưa ra các cơ chế dễ dàng và hiệu quả để người tiêu dùng có thể được bồi hoàn tài chính và đền bù thỏa đáng nếu như họ gặp phải các sản phẩm kém chất lượng hay dịch vụ chưa tốt và phải chịu thiệt hại.

Bên cạnh đó, một lưu ý rất quan trọng mà ông Daniel Hermann đưa ra dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đó là, những doanh nghiệp có thái độ và tinh thần chủ động trong việc tôn trọng các nhu cầu sở thích của người tiêu dùng và việc cam kết của chính họ chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh, mở rộng được mạng lưới khách hàng mà ít khả năng phải chịu phạt hoặc chịu sự truy sát của luật pháp. Do đó, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại doanh nghiệp sẽ là một quyết định mang tính chiến lược mà các doanh nghiệp nên đóng vai trò chủ động trong việc này.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm