Doanh nghiệp kể chuyện “đạp” sóng dữ, vượt bão Covid-19 thành công
Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong ASEAN / Thúc đẩy hợp tác giữa hai “Thủ phủ tơ lụa” Bảo Lộc và Como – Italia
Do dịch Covid-19 bùng phát nên từ đầu năm 2020 tới nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành du lịch. Theo thống kê tại TP.HCM, có khoảng 21.000 doanh nghiệp phá sản trong 7 tháng đầu năm.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó vẫn có nhiều doanh nhân thành công nhờ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ để đưa doanh nghiệp của mình vượt "bão" Covid-19, ổn định lao động - việc làm, giữ vững vị thế thương hiệu, đạt được tăng trưởng và lợi nhuận.
Có nhiều doanh nhân thành công nhờ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ để đưa doanh nghiệp của mình vượt "bão" Covid-19.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp" vừa được tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt cho hay, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, buộc bản thân từng doanh nghiệp phải thích nghi để vượt qua khó khăn.
Để ứng phó với đại dịch, Công ty Du ngoạn Việt đã chuyển đổi cơ cấu dòng khách từ phổ thông sang phân khúc khách cao cấp. Doanh nghiệp trước đây chuyên phục vụ khách quốc tế, nhưng khi thị trường khách này đóng cửa đã chuyển sang đào tạo thêm cho cán bộ nhân viên để tập trung phục vụ khách nội địa tốt hơn. Đầu tư thêm một số sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của từng dòng khách, từng phân khúc khách...
Chẳng hạn như tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khách đi tour chuyển sang các nhóm nhỏ từ 4-6-8 người, ngồi trên thuyền được nghe nhạc, có phần ăn riêng… Hay một resort 5 sao ở Tiền Giang sau chuyển đổi vẫn tiếp tục đón du khách, đến giờ này lượng khách đặt phòng thường xuyên hơn.
"Một trong những điều quan trọng và tự hào mà Công ty Du ngoạn Việt làm được lúc này là giữ được đội ngũ nhân viên, nhất là nguồn lực nhân sự cao cấp để chuẩn bị cho tương lai khi ngành du lịch phục hồi trở lại”, ông Phan Xuân Anh chia sẻ.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt chia sẽ, để ứng phó với đại dịch, công ty đã chuyển đổi cơ cấu dòng khách từ phổ thông sang phân khúc khách cao cấp.
Một doanh nghiệp khác trong ngành du lịch cũng đã có sự nhanh nhạy, xoay trở thành công và đến giờ đã có những bước đầu lạc quan là công ty Du lịch Việt. Ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, kể đại dịch khiến công ty điêu đứng, từ hơn 1.000 nhân sự cho các chuỗi lữ hành, nhà hàng, khách sạn… chỉ còn vài chục người.
Theo ông Long, mỗi ngày, từng nhân sự nghỉ việc. Để cầm cự, công ty phải bán từng cái nhà, bán từng chiếc xe… nhưng dịch vẫn tiếp diễn nên bài toán ứng phó là không dễ. Mục tiêu làm cách nào để nhân viên có việc làm, không phải nghỉ việc trở thành cốt lõi.
“Vậy là chúng tôi làm thêm việc bán dưa hấu giải cứu, bán nước rửa tay, bán gạo… nhưng cũng không dễ. Sau đó, một công ty khác của chúng tôi là Ecom Net trước đây chỉ chuyên đầu tư nay được tập trung cho hoạt động khác là sản xuất khẩu trang”, ông Trần Văn Long nói.
Với những nỗ lực sản xuất khẩu trang, từ việc nhập những chiếc máy đầu tiên, rồi tìm nguồn nguyên liệu, tìm thị trường… Đến giờ, Ecom Net đã xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, găng tay sang Mỹ với những đơn hàng lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn, bộ tiêu chí cho sản phẩm xuất khẩu.
Ông Võ Văn Khang cho biết, từ năm 2019 Hưng Thịnh bắt đầu tái cấu trúc khi chuyển đổi sang mô hình tập đoàn, doanh nghiệp đã nhanh chóng có bức tranh tổng thể, từ đó lựa chọn được phân khúc phù hợp để dồn nguồn lực vào.
Còn ông Võ Văn Khang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, trong giai đoạn khó khăn nhất, doanh nghiệp muốn tồn tại cần phải ứng phó linh động. Ông Võ Văn Khang cho biết, hai năm trước, nhờ áp dụng chuyển đổi số nên công ty chuyển đổi rất nhanh trong công tác điều hành và duy trì kênh liên lạc, tạo nên hiệu quả lao động ko hề suy giảm khi dịch bệnh xảy ra.
Ông Võ Văn Khang cũng nhấn mạnh việc tối ưu hoá nguồn lực, tập trung vào các khu vực, phân khúc và các dự án để tránh giảm năng suất. Qua đó, doanh nghiệp không bị giảm doanh số bán hàng, các dự án đầu tư cũng sẽ liên tục tăng. "Trong đợt dịch vừa qua, Hưng Thịnh không cắt giảm nhân sự mà nhân lực còn tăng 8% so với năm trước, đặc biệt là nhân sự trung và cao cấp”, ông Võ Văn Khang cho hay.
Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết khi sớm nhận ra tác động của đại dịch đã lan tới toàn cầu và đằng sau doanh nghiệp là hàng ngàn hộ nông dân, lãnh đạo Vina T&T đã nhanh chóng có giải pháp ứng phó thông qua việc gặp gỡ, chia sẻ với nông dân, đối tác, khách hàng.
Đồng thời , ông Tùng cũng tin tưởng đây là cơ hội tốt để nắm bắt, đón đầu và phải suy nghĩ để làm sao tiếp tục “sống chung” với dịch bệnh. “Tôi cũng tin rằng thời điểm đầu bùng phát dịch, có thể các thị trường ngưng nhập khẩu nhưng nếu sống chung lâu dài, họ vẫn phải tiêu thụ để phục vụ nhu cầu”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO Bùi Thanh Tùng cho biết, ngay khi dịch bắt đầu xảy ra, KIDO đã có quyết định táo bạo là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài trước nhiều tháng để chủ động nguồn nguyên liệu, tránh hoạt động sản xuất kinh doanh phải ngừng trệ…
Thậm chí, từ tháng 3 doanh nghiệp còn quyết định mua luôn cả nguyên liệu cho quý 3 để bảo đảm công việc cho cán bộ nhân viên, duy trì hoạt động. Với những giải pháp hiệu quả, 9 tháng đầu năm, KIDO đạt kết quả tăng 30% so với cùng kỳ khi doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận khá tốt; không nhân viên nào bị giảm lương, giảm thưởng.
Doanh nghiệp chia sẻ bí quyết vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Tương tự, trong lĩnh vực gỗ xuất khẩu, khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đơn hàng giảm nhưng Gỗ Đức Thành vẫn tăng trưởng khả quan. Chia sẻ “bí kíp” vượt “bão” của doanh nghiệp, bà Nguyễn Hà Ngọc Diệp - Phó Tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành cho biết, với những giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trong đại dịch tập trung vào việc mua nguyên liệu, đầu tư công nghệ… Đến giờ, đơn hàng của doanh nghiệp vẫn tăng hơn so với cùng kỳ, thậm chí có đủ đơn hàng từ giờ đến cuối năm.
Mặc dù có những điểm sáng trong bức tranh tối, nhưng nhìn chung nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần sự đồng hành, chia sẻ, rủi ro của các cấp, sở, ngành, đặc biệt để các gói hỗ trợ tới tay doanh nghiệp, mới có thể thúc đẩy kinh tế.
Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho rằng cơ quan chức năng cần lưu ý vấn đề truyền thông liên quan đến tình hình dịch bệnh; tránh để những tin đồn như cấm chợ, cấm siêu thị lan ra gây ra thiệt hại rất nhiều cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Trương Chí Thiện cũng phản ánh việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành để giảm lãi vay cho doanh nghiệp nhưng thực tế, thời gian qua chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được lãi suất giảm. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cố gắng đưa lãi suất hợp lý đến tay doanh nghiệp như là một giải pháp tiếp sức trong giai đoạn khó khăn.
Nhiều chủ doanh nghiệp cũng cho rằng nên mạnh dạn nhập khẩu nguyên liệu, tân trang máy móc thiết bị, dù có thể gặp rủi ro nhưng phải luôn chủ động nguồn nguyên liệu để tránh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ; chăm lo cho nhân công, duy trì lực lượng lao động sản xuất; triệt để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong doanh nghiệp; tận dụng mạng xã hội để kết nối với nhà phân phối, đối tác cũng như khách hàng. Đó là những giải pháp khiến nhiều doanh nghiệp có thể xoay sở, vực dậy sau dịch bệnh…
Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho thấy số lượng doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường chiếm khoảng 5%, số doanh nghiệp vượt qua những khó khăn bước đầu chiếm 9%, khó khăn còn nghiêm trọng là 40%. Số doanh nghiệp khó khăn và rất khó khăn chiếm 84%. Về nguyên nhân khó khăn, 40% doanh nghiệp được hỏi trả lời là do thiếu vốn, 14% khó khăn là do đứt gãy các chuỗi cung ứng, 88% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường. Ngoài ra, có 52% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã cắt giảm lao động vì khó khăn. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo