Kinh doanh

Doanh nghiệp vận tải hành khách lao đao trong đại dịch Covid-19

DNVN - Tác động kép của dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách. Hoạt động bị tạm ngưng, hàng trăm người lao động không có việc làm, giảm thu nhập, một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Vì sao giá khẩu trang lao dốc không phanh, dân buôn đua nhau bán cắt lỗ? / Hàng triệu nhân sự ngành du lịch, dịch vụ đi đâu, về đâu trong đại dịch Covid-19?

Những ngày qua, tại bến xe khách miền Đông TP.HCM, lượng khách đến mua vé và tham gia di chuyển bằng xe khách giảm hẳn so với trước. Có mặt tại đây, khác với sự đông đúc như thường có, chúng tôi thấy khu vực nhà chờ, mua vé của bến chỉ lác đác vài hành khách.

Anh Trường, lái xe của nhà xe Phương Trang tâm sự, xe thường chạy tuyến TP.HCM - Đà Lạt ngay từ sau Tết Nguyên đán, khi đợt một của dịch bệnh xuất hiện thì lượng khách giảm khoảng 40%, nhưng đặc biệt từ đầu tháng 6 đến nay, lượng khách giảm 70 - 85%, hôm nào xe đông nhất cũng chỉ có khoảng 15 -20 khách/45 chỗ, còn đa số chỉ có 10 - 13 khách. May là đợt này, xe còn nhận được nhiều hàng hóa đủ bù tiền xăng dầu mỗi chuyến.

Thời điểm này, hầu hết xe vận chuyển du lịch đều nằm tại bến bãi.

Hầu hết xe vận chuyển du lịch đều nằm tại bến bãi trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cắt giảm số chuyến, cho lái xe nghỉ luân phiên... là biện pháp tạm thời của hãng xe Dũng Hương đang triển khai thực hiện vì vắng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bà Nguyễn Thanh Hương - Quản lý hãng cho biết, đơn vị chúng tôi hiện có hơn 15 đầu xe chở khách chạy tuyến Sài Gòn ra các tỉnh du lịch miền Trung, bắt đầu mỗi ngày từ 5 giờ sáng cho đến 19 giờ tối, tần suất hơn 1 tiếng/chuyến.

“So với cùng kỳ năm trước, thời điểm này chúng tôi luôn trong tình trạng “cháy” xe vì không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Song, từ sau tết Nguyên Đán đến nay, đặc biệt là đợt dịch thứ hai bùng phát, lượng khách giảm đến 2/3, thậm chí có chuyến xe chỉ có 4 - 5 khách, dẫn tới doanh thu của hãng giảm đáng kể”, bà Hương cho hay.

Đặc biệt, bà Hương cho biết thêm, kể từ khi các điểm du lịch tạm ngừng đón khách, lượng khách lại càng sụt giảm thêm. Ước tính lượng khách đi xe của hãng giảm đến 80%, bởi vậy nên trong toàn bộ đội xe hiện có thì chỉ có 2-3 đầu xe hoạt động.

Bên cạnh đó, hãng cũng không thể đảm bảo tần suất 1 tiếng/chuyến được nữa, mà phải tiến hành gom khách vào cùng một chuyến. Bà Hương cũng chia sẻ thêm, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trong "cơn bão" do dịch bệnh Covid-19 gây ra khiến lượng khách du lịch giảm quá lớn, dẫn đến doanh thu của hãng sụt giảm.

Trong khi đó hãng xe còn phải đối với mặt nhiều khó khăn về tài chính. "Xe nằm bến, lái xe không có việc làm nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì trả lương cho nhân viên. Mặc dù không có khách, nhiều chuyến đi phải bù lỗ nhưng các xe vẫn phải duy trì hoạt động”, bà Hương cho biết.

Tuy nhiên, không bởi vì lượng khách ít ỏi mà hãng xe Dũng Hương giảm chất lượng phục vụ, thậm chí còn được nâng lên. Cụ thể, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng, hãng đã yêu cầu toàn bộ nhân viên và lái xe phải đeo khẩu trang khi làm việc, cấp phát miễn phí khẩu trang cho khách hàng đồng thời trang bị nước rửa tay khô diệt khuẩn trên tất cả các xe.

Nhân viên hãng xe Bình Minh limousine yêu cầu hành khách sử dụng nước rửa tay kháng khuẩn khi sử dụng dịch vụ

Công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách hàng trước diến biến của dịch Covid-19 được các hãng xe chú trọng rất kỹ.

Sau mỗi chuyến, nhân viên lái xe sẽ tiến hành khử trùng xe bằng dung dịch sát khuẩn. "Mong rằng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, để hãng xe tiếp tục phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng. Cứ tình hình như vậy, doanh nghiệp chúng tôi không biết dừng hoạt động lúc nào”, bà Hương bộc bạch.

Lượng hành khách đi lại giảm mạnh khiến các doanh nghiệp vận tải phải đối mặt với nhiều khó khăn như: như lãi vay ngân hàng, tiền thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm vật chất, rồi đến các khoản chi phí khác như bến bãi, duy tu bảo dưỡng...

“Hy vọng rằng, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, du lịch khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm 2020, từ đó giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách ổn định hoạt động kinh doanh”, Bà hương nói.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng - Tổng giám đốc Công ty xe du lịch Trịnh Gia, cho biết 35 đầu xe lớn nhỏ của công ty đã ngưng hoạt động từ đợt dịch bùng phát.

Theo ông Dũng, từ đầu tháng 3, đội xe bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề vì vắng khách. Với thực trạng "nằm im", mỗi tháng công ty phải trả lãi và gốc cho ngân hàng hơn 500 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí bến bãi từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/ xe (tùy số chỗ); hỗ trợ cho đội ngũ 35 tài xế từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/ người để chăm sóc và bảo vệ tài sản. Trong khi đội xe không có doanh thu. "Chúng tôi muốn hỗ trợ tài xế nhiều hơn. Tuy nhiên, đang trong giai đoạn khó khăn nên sẽ cùng chia sẻ để vượt qua", ông Dũng nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết sẽ đề xuất với các cơ quan chính quyền như: Miễn, giảm lãi vay ngân hàng và kéo giãn thời gian vay, giãn trả nợ gốc của các tổ chức tín dụng; miễn, giảm hoặc giãn các khoản thuế có liên quan như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp,…

Đồng thời, sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan nhằm hỗ trợ cho người lao động khi phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Tạm dừng hoặc kéo giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, y tế đối với người lao động, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất đối với phương tiện.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm