Kinh doanh

Ông Phạm Hải Quỳnh: Cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng chính là chữ “Cộng Đồng”

DNVN - Hiện nay du lịch cộng đồng được xem là du lịch phát triển bền vững, không chỉ công ty khai thác du lịch mà những người dân và địa phương cùng được hưởng lợi.

Văn phòng trống vắng mùa dịch, du lịch tính chuyện chia sẻ mặt bằng kinh doanh / Tại sao ngày càng nhiều du khách lựa chọn căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thay vì ở khách sạn?

ông Phạm Hải Quỳnh – Tổng giám đốc Du lịch Vân Hải Xanh, đồng thời ông cũng là Chủ tịch của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC).

Ông Phạm Hải Quỳnh – Tổng giám đốc Du lịch Vân Hải Xanh, đồng thời ông cũng là Chủ tịch của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC).

Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Phạm Hải Quỳnh – Tổng giám đốc Du lịch Vân Hải Xanh, đồng thời ông cũng là Chủ tịch của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) để hiểu hơn về mô hình du lịch này và hiểu hơn về tình hình hiện tại của du lịch trong thời kỳ Covid-19.

Thưa ông, với vai trò là thủ lĩnh trong Hội du lịch cộng đồng Việt Nam, ông có thể đánh giá tình hình chung về du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Ông Phạm Hải Quỳnh: Ngành du lịch Việt Nam trong năm 2020 thật sự là quá khó khăn. Từ đại dịch Covid-19 lần 1 các doanh nghiệp đã thiệt hại nặng nề, nhiều doanh nghiệp đã phải phá sản, đóng cửa doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn lại thì quyết tâm dồn hết lực để xây dựng sản phẩm du lịch mới, liên kết, hợp tác tạo kích cầu để phục hồi nhưng rồi lại thất bại thảm hại.

Du lịch cộng đồng được xem là du lịch bền vững, những người dân trong cộng đồng và địa phương tham gia đều được hưởng lợi, vậy thưa ông trong bối cảnh tình hình hiện nay du lịch cộng đồng phát huy những ưu thế gì?

Khi xây dựng các làng du lịch cộng đồng thì Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác và dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch với tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững và dần chuyển đổi từ các nghề trước đây để tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng căn cứ trên thực tế khách đến để chuyển đổi. Chính vì vậy các làng du lịch cộng đồng mà Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam xây dựng tuy có chung khó khăn bởi dịch bệnh, do không có khách, không có nguồn thu nhưng vẫn không ảnh hưởng đến đời sống của bản làng đang tham gia làm du lịch đó.

Thưa ông, hình như du lịch cộng đồng đang là cụm từ khá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, vì lâu nay chúng ta chỉ nói về các điểm đến, chứ ít khi nhắc đến du lịch cộng đồng. Vì du lịch cộng đồng là du lịch trải nghiệm văn hóa, lịch sử, vùng miền của một địa phương, và hình như loại hình du lịch này thu hút du khách ngoại hơn?

Trước đây thì có thể nói du lịch cộng đồng xa lạ với người dân Việt Nam và thu hút khách nước ngoài nhưng những năm gần đây thì có lẽ khái niệm trên không còn chính xác. Ví dụ, 2 làng du lịch cộng đồng A Nôr của A Lưới, Thừa Thiên Huế và Ta Lang, Tây Giang, Quảng Nam mà Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam xây dựng từ cuối năm 2019 đến trước khi có dịch đón tiếp tới 80% lượng khách đến làng là khách Việt Nam. Khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chon khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.

Mô hình du lịch cộng đồng ngày càng thu hút khách du lịch, được coi là mô hình du lịch bền vững.

Mô hình du lịch cộng đồng ngày càng thu hút khách du lịch, được coi là mô hình du lịch bền vững.

Trước tình hình dịch bệnh chưa thể khống chế được trên thế giới, nguồn thu nhập từ khách ngoại khi trải nghiệm du lịch cộng đồng chiếm một phần không nhỏ, vậy theo ông phải làm như thế nào để du lịch cộng đồng nhận được sự quan tâm của du khách trong nước?

Như vừa chia sẻ, du lịch cộng đồng nếu định hướng chuẩn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động do đối tượng khách. Vì vậy chỉ cần hết dịch các làng du lịch cộng đồng của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam lại tiếp tục đón khách.

Ông có thể chia sẻ cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng, và tiêu chí nào để có thể làm du lịch cộng đồng?

Cái khó khi tham gia làm du lịch cộng đồng chính là chữ “Cộng Đồng”. Muốn phát triển được du lịch cộng đồng thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch. Song hành với việc đó chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng để nó phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng.

Ông có thể cho biết những mô hình du lịch cộng đồng nào mà Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã làm thành công?

Với vai trò tư vấn thì Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam tư vấn rất nhiều những mô hình du lịch cộng đồng. Nhưng trực tiếp triển khai thì đã có A Nôr của Huế và Ta Lang của Quảng Nam là 2 mô hình được đánh giá cao, được Hiệp hội du lịch Việt Nam khen tặng là làng du lịch phát triển vì cộng đồng. Ngoài ra làng du lịch Kon Cơ Tu của Kon Tum cũng là một mô hình khởi đầu khá thành công.

Theo ông, để phát huy du lịch cộng đồng có hiệu quả cần phát huy những điều gì?

Để phát huy du lịch cộng đồng thì chúng ta cần hiểu và nhìn nhận rõ thế nào là du lịch cộng đồng, cách lựa chọn, hoàn thiện và khai thác du lịch cộng đồng như thế nào? Vai trò của chính quyền, của cộng đồng, vai trò của cộng đồng du lịch và cộng đồng làm du lịch địa phương gắn kết như thế nào thì lúc đó du lịch cộng đồng mới thật sự có bước đi chuẩn.

Vậy trước tình hình đại dịch như hiện nay, với vai trò của một người làm du lịch ông có thể nói về xu thế du lịch trong tương lai?

Với thời điểm hiện tại thì các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp của Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam vẫn phải tiếp tục củng cố lại sản phẩm du lịch và thị trường du lịch sau dịch Covid-19. Tuy biết rằng, việc phục hồi không phải một sớm một chiều nhưng việc chủ động trong mọi tình huống có thể sẽ là một cơ hội của các doanh nghiệp để đón nhận sự bùng nổ tiếp theo của du lịch nội địa đặc biệt là các sản phẩm của du lịch cộng đồng.

Xin cám ơn ông!

Đinh Loan (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm