Kinh doanh

Tập trung cao điểm ngăn hàng lậu, hàng cấm dịp Tết Tân Sửu 2021

DNVN - Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, đồng thời chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhiều tỉnh thành phía Nam đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường / Thị trường địa ốc nhộn nhịp cuối năm, riêng phân khúc này vẫn ảm đạm

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết trong thời gian tới, đặt biệt là dịp trước, trong và sau Tết thường là thời gian cao điểm mà các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại.

Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, sử dụng các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng. Hành vi này đã và đang gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khỏe của người dân.

Trước tình hình này, hàng loạt tỉnh, thành phố phía Nam đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Cuối năm là dịp các cơ quan chức năng tập trung cao điểm ngăn hàng lậu, hàng cấm.

Cuối năm là dịp các cơ quan chức năng tập trung cao điểm ngăn hàng lậu, hàng cấm.

Tại TP.HCM: Ban Chỉ đạo 389 TP.HCM đã yêu cầu các lực lượng lập phương án, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Tân Sửu 2021 sắp đến.

Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2020, các lực lượng gồm Quản lý thị trường (QLTT), phối hợp với các đơn vị liên quan lập phương án cụ thể để kiểm soát những địa điểm nóng về kinh doanh, kho bãi, cửa khẩu; các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả. Đặc biệt cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên không gian thương mại điện tử nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng lậu, hàng giả trên thị trường.

Mặt hàng trọng điểm cần tăng cường kiểm soát trong dịp cuối năm là thuốc lá, đường cát, bánh kẹo, mứt, rượu bia, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính, túi xách, điện thoại di động, pháo nổ…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 TP.HCM, ngoài đường bộ, đường biển thì trên địa bàn thành phố còn xuất hiện tình trạng vận chuyển hàng nhập lậu theo đường hàng không. Để cất dấu và dễ dàng tiêu thụ hàng hoá nhập lậu, một số doanh nghiệp đã thuê kho bãi của các công ty lớn làm nơi cất giấu hàng hóa; nhiều lô hàng được chủ hàng ủy thác cho doanh nghiệp vận tải phân phối, mua bán; tình trạng hàng hoá kém chất lượng, hàng giả được gắn nhãn mác hàng chính hãng để qua mắt lực lượng kiểm tra và lừa gạt người tiêu dùng cũng đang diễn ra khá phổ biến.

Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM Hà Trung Cang, hiện trạng nhiều trang web, địa chỉ kinh doanh thương mại điện tử, trang mạng xã hội bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố diễn ra khá phức tạp và khó kiểm soát. Nhất là các mặt hàng tiêu dùng như đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, quần áo thời trang, giày dép, thực phẩm chức năng…

Ông Cang cho hay, từ nay đến cuối năm, lực lượng QLTT thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, mạng xã hội để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá ở thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua các cửa khẩu vẫn còn diễn biến phức tạp. Gần đây, lực lượng kiểm soát hải quan thành phố đã phát hiện một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá, một số doanh nghiệp cố tình khai sai số lượng, chủng loại hàng, mã hàng nhằm trốn thuế hoặc khai mặt hàng chịu mức thuế cao để tuồn hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện vào thị trường.

Để đẩy lùi hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại từ nay đến cuối năm, Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng lập phương án, tăng cường kiểm tra, kiểm soát những khu vực dễ xảy ra tình trạng gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nhất là các bưu kiện gửi qua đường hàng không, hàng hoá thuộc diện qúa cảnh.

Tại Bình Dương: Cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, tình trạng mua bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay trên địa bàn tỉnh tuy có giảm về số lượng nhưng tính chất ngày càng tinh vi, quy mô hoạt động vi phạm của các vụ việc ngày càng lớn so với trước đây. Cụ thể, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã kiểm tra 668 vụ, phát hiện 377 vụ vi phạm đã xử lý 422 vụ. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách hơn 7,2 tỷ đồng (tăng hơn 1,2 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Mới đây nhất, đầu tháng 11/2020 Đội QLTT số 2 phối hợp cùng lực lượng công an tiến hành kiểm tra Công ty TNHH SXTM House White (đóng tại phường Thuận Giao, TP.Thuận An). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện công ty đang sản xuất các loại nước tẩy rửa ghi nhãn hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ghi xuất xứ hàng hóa là “Made in Thailand”; hàng chục ngàn chai nước tẩy rửa, can nước giặt các loại và nhiều nguyên, vật liệu, phương tiện khác phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa giả mạo xuất xứ. Sau đó lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt, thu giữ toàn bộ số hàng trên.

Ông Trần Văn Tùng - Quyền Cục trưởng QLTT tỉnh cho biết, vào dịp cuối năm, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tích cực đẩy mạnh sản xuất hàng hóa để phục vụ nhu cầu người dân thì một số đối tượng cũng lợi dụng thời điểm này để gia tăng hoạt động phi pháp, tập kết hàng lậu, sản xuất hàng giả nhãn hiệu uy tín để tuồn ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.

Theo ông Tùng, hiện lực lượng QLTT tỉnh đã tăng cường tuyên truyền phổ biến việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, chỉ đạo các đội nghiệp vụ của Cục QLTT tăng cường nắm thông tin, trinh sát địa bàn nhằm kịp thời phát hiện tụ điểm nghi vấn; đặc biệt là hoạt động trao đổi, mua bán hàng online thông qua mạng xã hội (sàn giao dịch thương mại điện tử) vi phạm để xử lý nghiêm.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Theo Cục QLTT tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay tuy bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhằm bảo đảm cạnh tranh thị trường lành mạnh, ổn định cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán nhiều nơi. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp thông qua việc khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịp cuối năm.

Trước tình hình này, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc từ nay đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 thực hiện quyết liệt kế hoạch theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi, vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như: may mặc, rượu, bia, nước giải khát, mứt, bánh, kẹo, thuốc lá điếu, xăng dầu, mỹ phẩm...

Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh, nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp, Sở Công thương đang phối hợp chặt chẽ với Cục QLTT và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, không bảo đảm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại. Song song đó tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn trọng điểm nổi cộm về hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tại Đồng Nai: Những tháng cuối năm, công tác QLTT tỉnh Đồng Nai đối với hoạt động kinh doanh các loại thực phẩm ngày càng được chú trọng, tăng cường. Nhiều vụ vi phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện. Đơn cử, vào giữa tháng 10/2020, Đội QLTT số 1 phối hợp với phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Mowi Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa).

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 52 thùng cá hồi nhãn hiệu Atlantic Salnun do nước ngoài sản xuất và 31 thùng cá hồi nhãn hiệu Frozen Atlantic do nước ngoài sản xuất đã quá hạn sử dụng. Tổng cộng phát hiện gần 2,5 tấn cá hồi quá hạn sử dụng. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập hồ sơ vụ việc và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm nêu trên để xác minh, xử lý theo quy định.

Ông Võ Văn Tỉnh - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai cho biết, trong những tháng cuối năm công tác QLTT sẽ vào cao điểm kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm… Bên cạnh đó, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên đề để tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra, rà soát thường xuyên tại chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn…

Có thể thấy, mặc dù chất lượng hàng hóa được nhiều người tiêu dùng quan tâm, nhiều người đã cẩn trọng hơn, xem xét kỹ về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng trước khi mua sản phẩm. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn lo lắng sẽ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là vào dịp cuối năm vốn có nhiều biến động.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, tính đến hết 30/11/2020 toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ hơn 14.000 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Hải quan, giảm 12,1 so với cùng kỳ%.

Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tập trung kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng... các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm