Truy xuất nguồn gốc cây đào: Làm sao để tránh thủ tục phức tạp, không phát sinh chi phí cho dân?
Đào rừng của người dân tự trồng, vẫn được bán chơi Tết / Yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai
Trước vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu truy xuất nguồn gốc đào, mai không làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Theo Phó Thủ tướng, trừ cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các địa phương phải tạo thuận lợi để người dân tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng.
"Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí cho người dân và doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sơn La, Lào Cai khẳng định không có đào rừng tự nhiên
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sơn La Trần Dũng Tiến, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích đào trồng, tập trung ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Nhiều năm qua, việc bán cành đào đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Ông Tiến cho biết, Chỉ thị cấm chặt phá khai thác đào rừng hoàn toàn đúng đắn. Bởi không riêng gì cây đào, tất cả các loại cây trong rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất đều được quản lý chặt chẽ theo Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, Sở NN-PTNT đã rà soát trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên, các hộ trồng mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông thuận lợi.
Tại Hội nghị thông tin kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, khái niệm “đào rừng” là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi, còn đồng bào vùng cao vốn dĩ sống gắn bó với núi rừng thì không gọi như vậy.
“Chúng tôi đã kiểm chứng rất kĩ, Lào Cai chỉ có đào trồng ở vườn nhà thôi. Bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng”, ông Duy nhấn mạnh.
Nhiều người cho rằng, việc dán tem, truy xuất nguồn gốc sẽ phát sinh thêm các thủ tục hồ sơ phức tạp. Trong khi Tết nguyên đán đã cận kề mà bây giờ mới bắt đầu triển khai việc này sợ không kịp.
Một cán bộ kiểm lâm ở tỉnh Lào Cai cho biết, nếu có thể dán tem khẳng định thương hiệu sẽ tốt hơn, giúp chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm. Còn dán tem chỉ để truy xuất nguồn gốc nhằm phân biệt đào rừng, đào nhà thì không cần thiết, vì vô hình trung tạo ra sự so sánh giữa đào có dán tem và đào không dán tem; chưa kể thậm chí có thể phát sinh nhiêu khê, tiêu cực.
Trong khi đó, từ trước đến nay Bộ NN-PTNT luôn khuyến khích người dân trồng đào rừng để phát triển kinh tế và không cấm khai thác loại cây này.
Theo ông Đỗ Văn Duy “Quan trọng nhất bây giờ là làm thế nào để người dân có sản phẩm vẫn tiêu thụ được, không bị các lực lượng chức năng can thiệp”.
Truy xuất nguồn gốc cây đào: Lợi cho dân, nâng cao giá trị cho cây “đào rừng” .
Truy xuất nguồn gốc cây đào: Làm sao để tránh thủ tục phức tạp, phát sinh thêm chi phí cho dân
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc cây đào rừng, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo văn bản này, tùy vào điều kiện cụ thể từng địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, gây ách tắc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hợp pháp khai thác cây đào, cây mai theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tại các địa phương cần tăng cường quản lý tuyên truyền, vận động không để người dân lợi dụng, chặt phá cây rừng.
Ông Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia vận hành sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào… Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào sẽ giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cây đào và giúp cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi.
Theo ông Chính, Quy trình thủ tục xác nhận đào trồng rất đơn giản. Cán bộ địa phương sẽ đi khảo sát nhu cầu của người dân có mong muốn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây đào hay không. Sau đó trưởng bản, cán bộ địa chính xã xác định hộ gia đình đó trồng đào tại vườn thuộc đất nông nghiệp hay vườn nhà. Tất cả thông tin này sẽ được cung cấp cho hệ thống truy xuất nguồn gốc mà không phát sinh thêm các thủ tục hành chính nào.
Theo ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, Sơn La đã lựa chọn cây đào để truy xuất nguồn gốc trong mùa Tết năm nay. Việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào là sự chủ động vào cuộc của Sơn La trong việc tìm hướng tiêu thụ thuận lợi cho cây đào trồng, vốn là loại cây mang lại thu nhập khá cho người dân của tỉnh.
Ông Hùng cũng khẳng định, việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào là không bắt buộc mà phụ thuộc vào nhu cầu của địa phương, người trồng, miễn làm sao chứng minh được cây đào được trồng không phải đào rừng tự nhiên. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa là chủ trương chung, hướng đến sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị cho hàng hóa là việc mà Sơn La hướng đến không chỉ cho cây đào mà cho tất cả các hàng hóa nông sản của tỉnh.
Trước đó, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên. Với mục tiêu truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị thương hiệu cho đào Sơn La và việc triển khai dán tem truy xuất cho cây đào để phân biệt nguồn gốc đào rừng với đào trồng nhằm tạo điều kiện cho bà con tăng thêm thu nhập.
Với diện tích trồng đào hơn 5.000ha của Sơn La, ước tính hiện tại cần dùng khoảng 300 - 500 nghìn tem truy xuất nguồn gốc. Hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, đơn vị cung cấp giải pháp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu tem truy xuất để phục vụ nhu cầu truy xuất đào trồng của Sơn La cũng như các tỉnh khác có nhu cầu.
Trước đó chiều 24/12/2020, phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, nhất là rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết, để gìn giữ nét đẹp của miền núi. Thủ tướng nêu rõ, ai mua bán, sử dụng, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng bị chặt phá như vậy là vi phạm. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo