Kinh doanh

Vietnam Airlines đòi áp giá sàn cho vé máy bay, giấc mơ bay giá rẻ sẽ không còn?

DNVN - Trước thông tin Vietnam Airlines làm việc với cục hàng không, đề xuất 2 phương án áp giá sàn vé máy bay, thay vì mức 0 đồng như hiện tại. Nếu đề xuất này được chấp thuận đồng nghĩa với việc những vé máy bay khuyến mại giá 0 đồng sẽ không còn.

Vietnam Airlines và Bamboo Airways khuyến mãi khủng / Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines lãnh 2 năm tù treo vì làm lây lan Covid-19

Vietnam Airlines đề xuất 2 phương án áp giá sàn

Trước thông tin Vietnam Airlines làm việc với Cục Hàng không, đề xuất 2 phương án áp giá sàn vé máy bay, thay vì mức 0 đồng như hiện tại. Nếu đề xuất này được chấp thuận đồng nghĩa với việc những vé máy bay khuyến mại giá 0 đồng sẽ không còn.

Vào năm 2017, đề xuất áp giá sàn cho các hãng hàng không là Vietnam Airlines và Pacific Airlines (khi đó là Jetstar Pacific Airlines) - 2 hãng bay thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối.

Một lần nữa, vào thời điểm khi ngành du lịch trong nước bắt đầu khởi động trở lại, sau những ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch Covid-19 trong suốt hơn 1 năm qua, thì Vietnam Airlines lại tiếp tục đưa ra đề xuất gây tranh cãi trên. Trong buổi làm việc đầu tháng 4 với Cục Hàng không, đúng 4 năm sau lần đầu muốn áp giá vé sàn cho dịch vụ vận tải hàng không, Vietnam Airlines lại một lần nữa muốn đề xuất của mình được nhà chức trách cân nhắc.

Cụ thể, với giá sàn, Vietnam Airlines đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1 là áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019. Theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500km là 414.000 đồng; các đường bay 500 - 850km là 570.000 đồng; các đường bay 850 - 1.000km là 755.000 đồng; các đường bay 1000 - 1.280km là 804.000 đồng và các đường bay từ 1.280km trở lên là 917.000 đồng.

Ở phương án 2, Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án 1. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 - 1.280km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng. Hiện nay, mức giá sàn là 0 đồng. Như vậy, nếu kiến nghị của Vietnam Airlines được thông qua, các chương trình khuyến mãi giá rẻ hoặc vé 0 đồng trước đây sẽ không còn mà phải tuân theo mức giá sàn theo đề xuất nêu trên.

Như vậy, nếu được cơ quan chức năng chấp thuận, những chương trình khuyến mãi với giá vé máy bay 0 đồng hoặc giá siêu rẻ, 9.000 đồng, 19.000 đồng, 26.000 đồng... (chưa gồm thuế, phí) sẽ không còn. Trên thực tế, nếu các hãng hàng không khuyến mãi giá vé máy bay siêu rẻ hoặc chỉ 0 đồng, tính cả thuế, phí, hành khách chỉ phải trả khoảng 900.000 đến trên dưới 1 triệu đồng/người/chặng (tùy từng hãng). Tuy nhiên, nếu đề xuất giá sàn trên được chấp thuận, trên chặng bay trục Hà Nội - TP.HCM, giá vé khứ hồi rẻ nhất mà khách có thể phải trả là khoảng 2,38 triệu đồng (theo phương án 1, chưa kể thuế, phí) hay 1,608 triệu đồng (theo phương án 2, chưa kể thuế, phí).

Giấc mơ bay giá rẻ sẽ thật sự xa vời nếu việc áp giá sàn vé máy bay được thông qua

Giấc mơ bay giá rẻ sẽ thật sự xa vời nếu việc áp giá sàn vé máy bay được thông qua.

Ai là người chịu thiệt?

Nếu việc giá sàn được áp dụng, người chịu thiệt chính là người tiêu dùng, sau đó là doanh nghiệp. Trong một nền kinh tế cạnh tranh thì việc áp giá sàn sẽ mang lại nhiều bất lợi cho chính người tiêu dùng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay giá vé máy bay được quy định giá trần, vì hiện chỉ có hai hãng hàng không lớn nhất là Vietnam Airlines và Vietjet Airs đã chiếm tới hơn 50% thị phần thì việc áp giá trần sẽ quản lý được thị trường và có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc áp giá sàn lại hoàn toàn khác, doanh nghiệp không còn tự quyết định được việc giảm giá chính sản phẩm của mình, trong khi đó người tiêu dùng cũng không được hưởng những sản phẩm giá rẻ, các chương trình khuyến mãi. Điều này cũng đi ngược lại với quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường.

Trong khi di chuyển bằng máy bay ngày càng dần trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở cả những vùng kém phát triển hơn. Các sân bay cũng được quy hoạch và mở rộng ở nhiều nơi hơn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thay vì chỉ di chuyển bằng đường bộ. Ngành hàng không cũng thay đổi rất nhiều kể từ khi xuất hiện những hãng hàng không tư nhân, với dịch vụ và giá vé cạnh tranh thì những đề xuất của Vietnam Airlines luôn bộc lộ rõ sự yếu thế trong cạnh tranh và cần tới sự bảo hộ của nhà nước.

Trong khi Vietnam Airlines cho rằng việc này để giúp các hãng bay trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều thời điểm giá vé máy bay chạm đáy, thì Vietnam Airlines là doanh nghiệp hàng không duy nhất nhận được gói cứu trợ của nhà nước. Sau đó Vietnam Airlines lại muốn đặt gánh nặng gia tăng chi phí lên người tiêu dùng. Việc này vừa hạn chế khả năng tiếp cận của người dân đối với máy bay, đồng thời làm gia tăng chi phí của các tour du lịch và các dịch vụ kèm theo.

 

Về mặt quy định luật pháp, theo Điều 28 Luật cạnh tranh thì Nhà nước sẽ chỉ áp đặt giá đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước nhằm kiểm soát, tránh trường hợp thống lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Hiện nay, hoạt động kinh doanh vận tải hàng không không còn là lĩnh vực kinh doanh độc quyền của Nhà nước, thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều này nghĩa là, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có quyền đưa ra giá vé, miễn là không vượt qua giá trần mà Nhà nước quy định.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm