Kinh doanh

Vụ sữa giả quy mô 500 tỷ đồng: Vì sao vi phạm 'lọt lưới' trong thời gian dài?

DNVN - Liên quan đến vụ sữa giả quy mô gần 500 tỷ đồng vừa bị Bộ Công an triệt phá tại Công ty Rance Pharma và Hacofood Group, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, các doanh nghiệp đã "qua mặt" cơ quan chức năng bằng hồ sơ hợp pháp, bán hàng qua kênh khó kiểm soát như hội thảo, phòng khám và mạng xã hội.

Nhiều tiềm năng hợp tác tại thành phố phát triển công nghệ mạnh nhất Hàn Quốc / 'Đột phá công nghệ - Thu hút nhân tài'

Không thuộc phạm vi cấp phép, quản lý của Bộ Công Thương

Việc Bộ Công an vừa triệt phá vụ sữa giả cực lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại CTCP Dược quốc tế Rance Pharma và CTCP Dược dinh dưỡng Hacofood Group khiến dư luận quan tâm về công tác quản lý thị trường.

Trả lời báo chí về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa vi phạm nói trên, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Việc cấp phép, quản lý sản phẩm sữa bổ sung vi chất, thực phẩm chức năng, dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt là thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Trong khi đó, Bộ Công Thương chỉ có trách nhiệm với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp là do Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương thực hiện. Vì vậy, hai công ty Rance Pharma và Hacofood Group không nằm trong phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương.

“Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thuộc chức năng được giao”, ông Linh nhấn mạnh.

Dù không quản lý trực tiếp hai doanh nghiệp trên, nhưng theo ông Trần Hữu Linh, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp các cơ quan liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường sữa và thực phẩm chức năng.


Công an thu giữ hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại để phục vụ điều tra. (Ảnh: CAND)

Trong 4 năm (2021–2024), lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra và xử lý 783 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng sữa. Tổng số tiền xử phạt hành chính hơn 2,2 tỷ đồng, hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm bị tiêu hủy, trong đó có hơn 58.000 hộp sữa, gần 21.000 chai/lon...

Riêng tại Hà Nội, 53 vụ đã bị phát hiện, xử phạt với tổng giá trị vi phạm trên 200 triệu đồng. Đáng chú ý, trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chuyển hai vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan công an để điều tra.

Một vụ việc điển hình diễn ra vào tháng 1/2024, khi lực lượng chức năng phát hiện xe tải chở 3.000 lon sữa bột không nhãn mác, không rõ nguồn gốc tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm). Cùng thời điểm, một doanh nghiệp tại huyện Đông Anh bị phát hiện hơn 123.600 sản phẩm sữa và chế phẩm từ sữa có dấu hiệu sửa hạn sử dụng và chất lượng không đạt yêu cầu.

Vì sao vi phạm vẫn lọt lưới?

Theo ông Linh, việc một số doanh nghiệp có nhiều dòng sản phẩm phân phối trên diện rộng nhưng không bị phát hiện sai phạm trong thời gian dài có thể xuất phát từ một số nguyên nhân. Các doanh nghiệp “che mắt” cơ quan quản lý bằng đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp pháp. Chỉ khi sản phẩm được đem đi kiểm nghiệm mới phát hiện vi phạm.

Các sản phẩm sữa giả thường không được phân phối qua hệ thống siêu thị, đại lý lớn mà chủ yếu bán lẻ trực tiếp qua hội thảo, phòng khám hoặc tiếp thị cá nhân, khiến việc kiểm tra trở nên khó khăn. Ngoài ra, việc sử dụng người nổi tiếng để quảng bá và bán hàng qua mạng xã hội cũng là chiêu thức tinh vi để né tránh giám sát.

Sau vụ việc chấn động trên, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết sẽ siết chặt kiểm tra tại các kênh phân phối không chính thức như đại lý nhỏ lẻ, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội – nơi có nhiều nguy cơ xuất hiện hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cùng đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp để rà soát toàn diện quy trình lưu thông hàng hóa, đặc biệt là sau khâu phân phối. Mục tiêu là hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường hiệu quả xử lý các hành vi gian lận thương mại và đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm sự ổn định và minh bạch của thị trường, nhất là với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như sữa”, ông Linh nhấn mạnh.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Có thể bạn quan tâm