Kinh tế năm: Hải Phòng giữ vững sức hút với dòng vốn FDI
Thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc / Tăng sức hấp dẫn cho bất động sản
Kết quả này cho thấy Hải Phòng đang thu hút đầu tư đúng hướng, đúng cách, là kết quả của việc xúc tiến đầu tư nước ngoài và cải thiện môi trường đầu tư.
Giữ vững sức hút...
Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, để giữ vững sức hút với dòng vốn FDI là do môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Phòng được cải thiện mạnh mẽ. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư quảng bá về môi trường đầu tư của thành phố Hải Phòng.
Đặc biệt, trong 8 tháng của năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tham mưu cho thành phố tổ chức Đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản do Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu làm trưởng đoàn. Tại các cuộc hội thảo, UBND thành phố Hải Phòng đã ký kết Biên bản ghi nhớ với các Tập đoàn của Hàn Quốc (SK, LG, STS) và Nhật Bản (IHI, TBM)...
Các cuộc xúc tiến đầu tư đã tạo được dấu ấn quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là kênh quảng bá hiệu quả về môi trường đầu tư với nhiều ưu đãi trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố. Điểm nhấn, hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án với tổng vốn đầu tư của các dự án 1,3 tỷ USD, diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua là minh chứng rõ nét cho kết quả của những chuyến xúc tiến đầu tư của thành phố trong thời gian qua.
Một sự kiện nổi bật khác, vào trung tuần tháng 11/2023, nhân chuyến công tác Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và Đoàn công tác thành phố đã có chuyến thăm và làm việc với thành phố Oakland (Hoa Kỳ).
Tại đây, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu giới thiệu tổng quan về Hải Phòng, trong đó nhấn mạnh, Hải Phòng là một trong 3 thành phố chiến lược của Việt Nam, có vị trí quan trọng về đầu mối kết nối giao thông, liên kết vùng của cả Khu vực đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ, là động lực trong phát triển kinh tế của cả miền Bắc và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Phòng có truyền thống phát triển công nghiệp hơn 100 năm, cùng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và dân số 2,2 triệu người, trong đó 1 triệu người ở độ tuổi lao động, Hải Phòng đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: General Electric, Chevron, LG, Bridgestones, AEON, SK, Pegatron... Hải Phòng sẽ là địa điểm lý tưởng, phù hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Tại cuộc làm việc này, hai bên thảo luận các lĩnh vực quan tâm hợp tác, tiềm năng hợp tác, đồng thời lãnh đạo hai thành phố ký kết Ý định thư hợp tác giữa Hải Phòng và Oakland. Bà Thị trưởng Oakland Sheng Thao bày tỏ mong muốn thỏa thuận hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả cho hai địa phương.
Là một doanh nghiệp FDI lớn, đang hoạt động hiệu quả tại Hải Phòng, ông Baek Chan, Tổng giám đốc Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng chia sẻ, là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử và điện gia dụng như thiết bị giải trí trong ô tô (IVI), máy giặt, máy hút bụi, motor và tủ lạnh. Sau 1 thời gian nghiên cứu, Tập đoàn LG đã xác định Việt Nam là địa điểm lý thưởng tại khu vực Đông Nam Á để mở rộng kinh doanh. Đặc biệt, Tập đoàn LG lựa chọn thành phố Hải Phòng vì đây chính là thành phố phát triển đứng thứ 3 của Việt Nam với tiềm năng và các điều kiện vô cùng thuận lợi như: vị trí cảng biển, hệ thống logistics, nguồn nhân lực trình độ cao và dồi dào,...mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp.
Ngày 6/9/2013, LG Electronics Việt Nam Hải Phòng đã chính thức nhận giấy phép đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng với số vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD. Tổng số lao động cho đến nay vào khoảng 3.000 người...
Đến nay, Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ USD. Trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế thu hút 708 dự án với tổng vốn đầu tư 38,1 tỷ USD.
Chuyển dịch xanh
Xu hướng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường là xu hướng chính của nền công nghiệp hiện nay. Hải Phòng sẽ thu hút, sàng lọc và lựa chọn nhà đầu tư các dự án phù hợp với định hướng phát triển bền vững của thành phố.
Tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg "Phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 2/12/2023, trong đó nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.
Về phát triển hệ thống khu kinh tế, Hải Phòng mở rộng không gian khu kinh tế ven biển trên địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển của thành phố, là trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để bổ sung đất phát triển công nghiệp, dịch vụ. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha (khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ và các quy định pháp luật khác có liên quan).
Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, thành phố tập trung phát triển 14 khu công nghiệp đã thành lập theo hướng đồng bộ, thông minh, sinh thái cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thành lập mới 20 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.700 ha.
Đối với phát triển cụm công nghiệp, Hải Phòng sẽ phát triển 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.150 ha, đảm bảo sử dụng nguồn lực đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất gắn liền với bảo vệ môi trường.
Theo ông Bruno Jaspaert, CEO, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý, chính sách ưu đãi kinh tế và ổn định chính trị để hướng tới một tương lai tốt đẹp, đã và đang trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư thành lập các cơ sở sản xuất mới. Với các điểm mạnh của mình, Khu công nghiệp DEEP C đã đón bắt làn sóng đầu tư nước ngoài đang hướng đến thị trường Việt Nam. Khu công nghiệp DEEP C sẽ không thể làm được điều này nếu như không phối hợp chặt chẽ và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Ông Bruno Jaspaert cho hay, ông tới Hải Phòng gần 5 năm trước. Nếu so sánh, Hải Phòng hôm nay và Hải Phòng ngày đó như là hai thành phố khác nhau. Hải Phòng ngày nay sạch hơn, xanh hơn rất nhiều. Ông Bruno Jaspaert cho rằng, cần dành lời khen tặng cho UBND thành phố Hải Phòng vì điều đó. Đường có nhiều cây cối hơn và được làm sạch hàng ngày, thành phố cũng cần làm như vậy đối với khu công nghiệp. UBND thành phố Hải Phòng hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nên đưa ra một chính sách yêu cầu tất cả các khu công nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái. Nếu làm được như vậy, nhìn từ góc độ marketing và thương hiệu, Hải Phòng có thể quảng bá hình ảnh một thành phố tăng trưởng kinh tế theo cách bền vững nhất. Điều này rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mới tiềm năng...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp