Thị trường

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt thách thức, tăng trưởng tích cực

GDP cả năm 2023 của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05% thấp hơn mục tiêu, nhưng rất tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại / Dự kiến hơn 260.000 lượt khách đến Đà Nẵng dịp Noel, Tết Dương lịch

Vốn FDI thực hiện 2023 cao nhất 5 năm

Theo dự báo của ADB, tăng trưởng cả năm của Indonesia là 5%, Singapore là 1%, Malaysia là 4,2%, hay Thái Lan là 2,5%. Trong bối cảnh chung như vậy cũng dễ hiểu khi lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm qua, đạt 23,18 tỷ USD.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Foxconn vừa được tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án mới, với tổng vốn 250 triệu USD như một lời cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để phát triển lĩnh vực công nghệ cao.

Tập đoàn Foxconn hiện diện tại Việt Nam từ năm 2007, chuyên sản xuất các các sản phẩm điện tử tiêu dùng và truyền thông. Tính đến nay, Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam. Một trong 16 khu nhà xưởng của Foxconn tại Việt Nam được đặt tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), với quy mô 26ha.

Ông Châu Ngĩa Văn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng vào 3 ngành công nghiệp mới nổi là xe điện, y tế số, robot…".

Kết quả tích cực có thể nhìn từ sự nỗ lực của mỗi địa phương. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu, dù không nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút FDI nhiều nhất, song cũng kết thúc năm với con số ấn tượng, khi thu hút thêm 1,4 tỷ USD, tăng hơn 91%.

Ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Các dự án thu hút về tỉnh trong năm qua, đa số đến từ Nhật, Hàn, Thái Lan. Đặc biệt, tỉnh thu hút các ngành mới là hoá dầu, ngành nghề phục vụ rất thiết thực cho nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu".

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt thách thức, tăng trưởng tích cực - Ảnh 1.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm qua, đạt 23,18 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Việc vốn FDI giải ngân tăng so với cùng kỳ đã cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, Bộ, ngành, sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý cho doanh nghiệp.

Bà Phí Thị Thương Nga - Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết: "Sự phục hồi và tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam diễn ra trong nửa cuối năm 2023. 6 tháng đầu năm thì giảm 4,6% so với cùng kỳ. Do vậy, sự phục hồi này đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo".

Trung tuần tháng 6, hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung, Lotte, SK… đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Trong cả năm, đoàn Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ và các "ông lớn" trong lĩnh vực này đã đến Việt Nam không dưới 3 lần để tìm hiểu thị trường. Hàng trăm đoàn doanh nghiệp lớn nhỏ đang đến với Việt Nam là minh chứng rõ nét cho một môi trường kinh doanh năng động, bền vững và đầy hứa hẹn.

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt thách thức, tăng trưởng tích cực - Ảnh 2.

Sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài là hoàn toàn có cơ sở, nếu nhìn sâu hơn vào số liệu từng quý của Việt Nam trong năm qua. Có thể thấy xu hướng phục hồi rõ nét, gần như một đường thẳng trên biểu đồ này. Trong đó, riêng quý IV, GDP ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất của cùng kỳ 3 năm trở lại đây.

 

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Con số GDP theo các quý tăng dần đến cuối năm cũng thấy được sự nỗ lực. Khó khăn ngay từ đầu năm nhưng chúng ta đã không bỏ cuộc, mà quyết tâm. Khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế khi có xuất khẩu lương thực ra bên ngoài, duy trì kết nối với thế giới qua các mặt hàng nông sản".

Dịch vụ - Điểm sáng tăng trưởng kinh tế 2023

Nếu như nông nghiệp hoàn thành vai trò trụ đỡ trong 3 lĩnh vực chính của nền kinh tế, công nghiệp là lĩnh vực ghi dấu ấn phục hồi rõ nét nhất qua các quý, đặc biệt là quý cuối năm thì dịch vụ lại chính là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng cả năm qua.

Giữ giá cả, tăng khuyến mại - ổn định sức mua là chiến lược được các nhà bán lẻ thực hiện xuyên suốt cả năm nay. Tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng có phần cởi mở hơn khiến doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước.

Nhà bán lẻ Central Retail cho biết, bằng cách tăng tỷ lệ nhóm hàng khuyến mại lên 50%, thay vì chỉ 1/3 như trước; Ưu tiên giữ giá cả mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn…; Tận dụng chính sách giảm 2% VAT cùng việc tham gia khuyến mại tập trung quốc gia… tăng trưởng ở mảng bán lẻ thực phẩm và bán hàng đa kênh đều đạt 2 con số.

 

Trong khi đó, chính sách visa thông thoáng cùng nỗ lực làm mới sản phẩm đã giúp ngành du lịch có tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, phải kể đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần so với năm trước.

Công ty Vietravel cho biết, năm nay phục vụ gần 750 nghìn lượt khách; đạt doanh thu gần 6.000 tỷ đồng.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho biết: "Trong nước thì phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch, kết nối với các địa phương để có mức giá chung tốt, dẫn dắt thị trường nội địa. Với các tuyến nước ngoài thì kết nối với các Tổng cục Du lịch của các nước, làm chuyên sâu từng tuyến, có mức giá cạnh tranh trên thị trường".

Kinh tế Việt Nam 2023: Vượt thách thức, tăng trưởng tích cực - Ảnh 3.

Người dân đi mua hàng tại một siêu thị. (Ảnh: TTXVN)

 

Đánh giá của Tổng cục Thống kê, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào đà đi lên của khối dịch vụ và là điểm sáng bù đắp cho xuất nhập khẩu suy giảm. Giá trị tăng thêm của khu vực này đã vượt 6,82% so với năm trước. Tuy nhiên, để giữ đà tăng trưởng trong năm tiếp theo, vẫn cần những giải pháp đồng bộ và kéo dài.

Ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết: "Tập trung ổn định nguồn cung, giá của các nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Kết hợp với đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa và đặc biệt là kết nối cung cầu trên nền tảng số. Tiếp tục thực hiện các chính sách giảm, miễn các loại phí vì giải pháp này giúp cả người dân lẫn doanh nghiệp được lợi".

Bên cạnh đó, các chương trình kích cầu, kết nối giao thương cũng đang được các Bộ, ngành tính toán để triển khai quy mô và kéo dài trong năm tiếp theo.

Lạm phát bình quân năm nay ở mức 3,25%, tức được kiểm soát thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 4,5% đặt ra. Đây là dư địa để Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong năm tới.

 

Quan trọng hơn cả, tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, dù xét cả năm nay vẫn khiêm tốn, nhưng quý cuối năm đã trở lại là lĩnh vực đầu tàu với mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Dù dự báo tình hình kinh tế năm 2024 còn khó khăn, nhưng các tổ chức trong nước và thế giới đều nhận định: Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực sẽ có mức tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2023.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm