Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Đà Nẵng: Nhu cầu tìm kiếm và giao dịch bất động sản có tốc độ phục hồi cao / Đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón điều tiết nguồn cung trong nước
Hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình có nhiều thách thức, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thương mại hàng hoá tiếp tục sôi động. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng trên 122 tỷ USD, tăng 16,4%, qua đó góp phần xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp lập mới một tháng đạt trên 15.000 - con số cao nhất từ trước đến nay. Còn nếu cộng với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì cao hơn gấp hơn 2 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Điều này cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi tích cực nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi. Các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt kết quả tích cực. Ảnh minh họa.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý chỉ số này tăng đều đặn qua các tháng cho thấy tính ổn định trong hoạt động sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động, kế hoạch tăng vốn của các nhà đầu tư.
Ông Preben Elnef - Phó Chủ tịch Nhà máy LEGO Việt Nam cho hay: "Đầu tiên là môi trường kinh doanh và sự ổn định chính trị của Việt Nam là những yếu tố tích cực khiến chúng tôi chọn xây nhà máy tiếp theo. Chúng tôi cũng được chia sẻ rất nhiều những giá trị mà tập đoàn đang theo đuổi với chính phủ Việt Nam như mục tiêu phát triển bền vững. Phải nói rằng đây không phải là đầu tư ngắn hạn, mà sẽ là đầu tư cho thế hệ tiếp theo".
"Ngay quý I năm nay, thật đáng ngạc nhiên rằng số lượng nhà đầu tư quan tâm đến với DEEP C Quảng Ninh và Hải Phòng đã tăng lên gấp đôi. Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với nhiều công ty lớn trên thế giới. Họ đã tăng gấp đôi quy mô đầu tư. Tích cực nhất là sự nối lại đối thoại với những nhà đầu tư tiềm năng trước đây. Chúng tôi vẫn có thể duy trì các hoạt động kinh doanh bình thường", ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng nói.
Chính sách nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, mở cửa du lịch và minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ đang tạo niềm tin rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Torben Minko - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) bày tỏ: "Những cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang đẩy mạnh và thực hiện một cách thực chất hơn. Cùng với đó là phản ứng chính sách từ các cấp đang hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp đang mong muốn có những nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để có môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và giảm chi phí không cần thiết, nhất là khi toàn bộ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và bứt phá".
Nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế
Những nỗ lực và quyết tâm trong phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đã đem lại những kết quả tích cực và rõ nét. Vốn, sức mua, sức sản xuất và các cân đối lớn của nền kinh tế là những chỉ dấu quan trọng phản ánh sức phục hồi của nền kinh tế đang ngày càng mạnh mẽ.
Mới qua 4 tháng đầu năm, nhưng mức tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã đạt được những con số khả quan. Nhu cầu về vốn tăng cao là một chỉ dấu quan trọng cho sự phục hồi và nhu cầu phát triển của nền kinh tế đang mạnh mẽ.
Đến cuối tháng 4, đã có hơn 700 nghìn tỷ đồng được hệ thống ngân hàng bơm ra nền kinh tế nhằm phục vụ cho nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp. Con số này gấp tới 2,3 lần so với năm ngoái.
Mức tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã đạt được những con số khả quan. Ảnh minh họa.
Cùng với sự gia tăng về nhu cầu vốn, một tín hiệu tích cực nữa đó là sức mua của nền kinh tế đã tăng trở lại. Đồng thời các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn được giữ vững cũng là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm.
Kinh tế vĩ mô ổn định, sự phục hồi kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ là những điểm nổi bật của sức sống kinh tế Việt Nam. Nhưng một trong những nỗ lực đáng chú ý đó là câu chuyện quyết tâm minh bạch hóa, lành mạnh thị trường vốn để dòng vốn chảy đúng hướng mà Chính phủ đã thực thi cũng là một dấu ấn đậm nét trong công tác điều hành. Nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao hành động này của Việt Nam, vì nó hướng đến sự phát triển bền vững và lành mạnh thị trường vốn ở Việt Nam.
"Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam đang hành động đúng đắn. Thao túng cổ phiếu là hành vi sai phạm rất nghiêm trọng. Nếu vấn đề này không được xử lý nghiêm túc thì sẽ không kiểm soát được thị trường", ông Gibb S. Song - Thành viên hợp danh VSV Capital cho hay.
Bà Era Dabla Norris - Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Quỹ Tiền tệ quốc tế rất hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng cường điều tiết thị trường và cải thiện hệ tổng thể việc giám sát, từ đó tăng tính minh bạch. Điều này thực sự giúp ích cho sự phát triển lâu dài của thị trường vốn, cải thiện việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nhỏ lẻ".
"Ngay lúc này, thông điệp đã được gửi" - đó là lời của ông Craig Martin, Chủ tịch điều hành Dynam Capital, với mong muốn trong tương lai, sẽ có sự giám sát thận trong với các nhà phát triển và giao dịch tài sản nhưng không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Ông Deirdre Maher - Trưởng Bộ phận Thị trường cận biên, Công ty Quản lý tài sản châu Âu Amundi cho hay: "Đối với các nhà đầu tư dài hạn, quá trình thanh lọc thị trường gần đây là sự khởi đầu hứa hẹn". Đó cũng là niềm tin mà các nhà đầu tư nước ngoài gửi gắm và nhìn nhận sau những hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong việc lành mạnh hóa thị trường vốn và cả phục hồi phát triển kinh tế.
Nhà đầu tư tin tưởng vào kinh tế khởi sắc
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế mức thấp, tỷ giá ít biến động đã giúp cho Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấn dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, từ đầu năm tới nay, một loạt các chỉ số xếp hạng tín nhiệm dành cho Việt Nam đều được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Viện Quản trị Chandler (Singapore) vừa công bố bảng xếp hạng "Chỉ số chính phủ tốt" năm 2022 - chỉ số toàn diện nhất trên thế giới, được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính phủ quốc gia. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và thứ 56 trong số tổng 104 quốc gia/vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số Bình đẳng thu nhập, tăng 33 bậc so với năm 2021, lên vị trí thứ 42. Việt Nam cũng tăng 18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số thu hút đầu tư. Đáng chú ý ở các chỉ số sự hài lòng với các dịch vụ công và bình đẳng giới.
"Đây là một thông tin rất tốt đối với Việt Nam. Đó là minh chứng cho thấy những cải cách của chính phủ đã mang lại những kết quả tích cực. Nhưng Việt Nam chưa nên hài lòng ở vị trí số 3 mà phải phấn đấu đạt vị trí thứ 1. Khi quyết định đầu tư hay mở rộng đầu tư tại quốc gia nào đó, chúng tôi luôn nhìn vào những gì chính phủ đó làm. Chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam vì chúng tôi tin tưởng đất nước bạn", ông Thomas Bo Pedersen - Giám đốc điều hành Công ty Mascot Việt Nam và Lào nói.
Các công ty châu Âu ngày càng có xu hướng đầu tư vào Việt Nam và tin tưởng hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế tại đây. Đây là nội dung được nhấn mạnh trên 2 trang Le Petit Journal và Fibre to fashion. Báo cáo của EuroCham cho thấy Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên 73% trong quý I năm nay.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay: "Chúng tôi rất vui vì chỉ số đã tăng 12 điểm. Chỉ số này dần trở lại với con số cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. 69% các thành viên của chúng tôi tin rằng trong quý II năm nay, nền kinh tế sẽ ghi nhận sự ổn định và tăng trưởng. Kinh tế số và kinh tế xanh là 2 lĩnh vực chính mà các nhà đầu tư quan tâm".
Trang Bangkok Post của Thái Lan nhấn mạnh công ty chứng khoán Asia Plus ASPS ủng hộ tăng cường đầu tư vào Việt Nam với lý do đất nước có triển vọng tăng trưởng cao.
"Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn coi Việt Nam là nơi đầu tư hấp dẫn bởi ở đây có nền chính trị - xã hội ổn định, lao động chất lượng cao, nguồn đất và văn phòng phong phú, rẻ. Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng dương trong 2 năm 2020 và 2021", ông Nakajima Takeo - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam JCCI nói.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết: "Về vấn đề đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tác động của đại dịch COVID-19 đã giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của vấn đề này. Việt Nam đang dần nắm giữ một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, trong tổng số 92 dự án nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong các doanh nghiệp được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thực hiện tại ASEAN, Việt Nam đứng đầu với 39 dự án".
Sự lạc quan về sự phục hồi và triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam là dựa trên cơ sở thực tế đáng tin cậy. Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 được sự cộng hưởng từ các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng như: giảm, giãn nộp thuế, tiền thuê đất, phí trước bạ, lãi suất và thời hạn trả nợ, mở rộng đầu tư công, tăng cường cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số.
Bên cạnh môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, hoạt động kinh tế sớm bình thường hóa nhờ thành tựu chống dịch, cộng đồng doanh nghiệp còn rất lạc quan khi Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021. Đây cũng là những động lực quan trọng cho kinh tế Việt Nam lấy lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024