Kon Tum: Làm giàu ở nông thôn, dân đổi đời nhờ trồng sâm
Rủ nhau trồng sâm "Quốc bảo"
Địa bàn huyện Tu Mơ Rông đúng là được thiên nhiên ưu đãi, nơi đây có nhiều loại dược liệu quý như sâm dây, sâm đương quy và đặc biệt là sâm Ngọc Linh - “Quốc bảo” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác do tỉnh ta phối hợp với các bộ ngành Trung ương tổ chức vào đầu tháng 9/2018.
Khoảng 10 năm về trước, người dân Tu Mơ Rông chưa hiểu biết nhiều về sâm Ngọc Linh nên chưa thực sự mặn mà trong việc phát triển. Vài năm trở lại đây, khi hiểu được giá trị của sâm Ngọc Linh, người dân ở Tu Mơ Rông rủ nhau “thi đua” trồng sâm (chủ yếu sâm dây và sâm Ngọc Linh).
Câu chuyện trồng sâm, thi đua trồng sâm đã và đang “nóng” trên “bàn nghị sự” của Đảng bộ và chính quyền huyện Tu Mơ Rông. Mong muốn thì nhiều, nhưng nguồn lực lại có hạn, vì giá sâm Ngọc Linh giống khá cao. Vì vậy, chính quyền địa phương đang “đau đầu” để có thể tìm ra “lời giải bài toán” giúp người dân địa phương có thể làm giàu ngay trên mảnh đất Tu Mơ Rông.
Và giải pháp được chính quyền huyện Tu Mơ Rông đặt ra trước mắt là đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết lợi ích của sâm Ngọc Linh và các loại thảo dược khác nhằm thay đổi nhận thức của người dân ở nơi đây, trước khi triển khai mạnh mẽ việc phát triển các loại cây dược liệu quý này trong cộng đồng dân cư.
Điều đáng mừng là nhận thức người dân Tu Mơ Rông thay đổi, biết được lợi ích của trồng sâm nên để có giống sâm trồng, không ít hộ dân bán trâu, bò để mua giống hoặc mua hạt tự ươm…
Đi đầu trong phong trào trồng sâm Ngọc Linh phải kể đến xã Ngọc Lây. Ngọc Lây có 10 thôn thì 5 thôn có người dân tự trồng sâm Ngọc Linh. Và tiên phong trong việc trồng sâm ở Ngọc Lây là người làng Lộc Bông.
Gần như 100% số hộ làng Lộc Bông đã tự trồng sâm Ngọc Linh. Người dân rủ nhau “săn” sâm rừng sâu để trồng ở những nơi kín đáo, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.
Khi sâm rừng khan hiếm, không chịu “bó tay”, họ sẵn sàng bán cả trâu, bò - vốn là cả cơ nghiệp của gia đình, để lấy tiền mua sâm giống về trồng.
Theo thống kê của xã Ngọc Lây, có hàng chục hộ ở địa phương đã bán trâu bò để mua giống sâm về trồng với mong ước đổi đời.
Anh A Nô ở Măng Rương II là một trong những người đầu tiên trồng sâm Ngọc Linh. Đến nay, gia đình A Nô có cả ngàn cây sâm Ngọc Linh, vài năm nữa, khi thu hoạch sâm thì gia đình anh có thể có tiền tỷ.
Cũng giống như A Nô, A Cam (thôn Măng Rương II) và A Thuyến (thôn Tu Bung)… cũng đang phát triển cây dược liệu quí hiếm này. Hiện, gia đình A Cam, A Thuyến đã phát triển được vài trăm cây sâm.
Tương tự như Ngọc Lây, người dân ở xã Măng Ri - “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh có khá nhiều hộ trồng sâm Ngọc Linh. Ông A Bar - thôn Pu Tá tự tin cho biết: Năm 2017, gia đình mình mua 100 gốc sâm để trồng dưới tán rừng. Dự kiến khoảng 6 năm là có thể thu hoạch khoảng 2kg.
Giá mỗi ký sâm Ngọc Linh tính rẻ lắm cũng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể khi trồng vài năm, những cây sâm Ngọc Linh cho hạt và gia đình lấy ươm rồi tiếp tục trồng sâm thì lúc ấy, nguồn sâm sẽ nhiều lên, thu nhập sẽ tăng, người dân đổi đời...
Làm giàu ở nông thôn-đổi đời từ sâm
Giờ đây, về Tu Mơ Rông, đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán chuyện trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh. Không ít hộ gia đình tại địa phương đã thoát khỏi cảnh nghèo và làm giàu từ sâm. Điển hình như chị Y H lạng, Y Bắp, A Hình…
Nói đến chị Y H lạng, làng Pu Tá xã Măng Ri thì ai cũng biết, bởi chị làm giàu bằng chính cây trồng mang đặc hữu của mảnh đất Tu Mơ Rông - đó là sâm dây. Song song làm rẫy, trồng mì, trồng lúa, Y H lạng chủ yếu tập trung vào phát triển cây sâm dây.
Theo chị Y H lạng, phát triển sâm dây không những có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn và phát triển loại dược liệu quý này. Đến nay, chị Y H lạng đã phát triển được hơn cả héc ta sâm dây.
Tôi cũng từng đến thăm khu rẫy trồng sâm dây của gia đình chị Y H lạng ở tận ngọn đồi cao cách làng vài kilômét. Chị vừa trồng thành khu riêng, vừa trồng xen trong khu rừng thông, xen trong khu lúa rẫy…
Đổ mồ hôi, công sức để trồng sâm, đến nay gia đình chị Y H lạng có nguồn thu từ chính sản phẩm sâm dây. Hàng ngày chị không chỉ bán củ, bán lá mà chị bán cả giống sâm dây.
Giờ đây, chị Y H lạng còn là đầu mối thu mua sâm dây. Hàng năm gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cũng chính từ nguồn thu nhập đó, kinh tế gia đình càng khá giả. Chị không những xây dựng được ngôi nhà vững chãi mà còn cho 3 người con ăn học đàng hoàng.
Chị Y Bắp ở thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng vươn lên từ hai bàn tay trắng cũng chủ yếu từ sâm dây và sâm Ngọc Linh. Điều chúng tôi không ngờ tới là việc chị khởi nghiệp số tiền vay ít ỏi của Hội Nông dân với 3 triệu đồng.
Gia đình chị Y Bắp vốn nghèo, mẹ mất sớm, mới học lớp 6 chị phải nghỉ học để về phụ gia đình làm rẫy. Lập gia đình (năm 1995), hai vợ chồng chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, bởi gia đình chồng cũng nghèo như gia đình chị. Không cam chịu đói nghèo, hai vợ chồng chị lăn lộn suốt ngày lao động cật lực trên nương trên rẫy. Sau 20 năm phát triển, gia đình chị có cả chục héc ta cây công nghiệp gồm cà phê, bời lời.
Vài năm trở lại đây, khi sâm dây có giá, chị bắt đầu đầu tư trồng loại cây này. Chị tận dụng mọi diện tích đất trống để phát triển sâm dây xen trong cây cà phê, bời lời. Tính đến nay, Y Bắp có vài sào sâm dây trồng xen trong ba khu rẫy.
Không chỉ trồng sâm dây, hiện tại chị Y Bắp cũng đã đầu tư trồng cả nghìn cây sâm Ngọc Linh, hiện đang sinh trưởng tốt. Khi sâm Ngọc Linh cho thu hoạch, nguồn thu nhập khủng đầy hứa hẹn đang chờ đón gia đình chị Y Bắp.
Cho đến hiện tại, Y Bắp là một trong những gia đình khá giả nhất làng Đăk Viên. Thu nhập từ sâm và cây công nghiệp, mỗi năm chị cũng bỏ túi vài trăm triệu đồng. Gia đình chị Y Bắp không chỉ xây dựng được ngôi nhà khang trang hàng trăm mét vuông mà cũng là một trong những người đầu tiên ở địa phương sắm xe ô tô tiền tỷ.
Trường hợp của A Hình ở thôn Đăk Sông, xã Tê Xăng cũng vậy. Hiện nay, gia đình ông có cả nghìn cây sâm Ngọc Linh và vài sào sâm dây.
Theo A Hình, ông bắt đầu trồng sâm Ngọc Linh cách đây đã 12 năm. Mỗi năm phát triển thêm một ít, giờ đây ông A Hình là một trong những người có diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất xã Tê Xăng.
Ngoài sâm Ngọc Linh, hiện nay, A Hình cũng có 3-4 sào sâm dây. Mỗi năm thu nhập từ sâm Ngọc Linh và sâm dây, gia đình ông cũng thu lời hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống gia đình A Hình khá giả lên cũng từ sâm.
Chuyện làm giàu, làm giàu ở nông thôn từ sâm của đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông hiện nay không còn là chuyện lạ. Bởi, đồng bào nơi đây trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây khá nhiều. Hiện tại có đến 80% số hộ dân ở Tu Mơ Rông trồng sâm dây và có hàng trăm hộ đã và đang phát triển sâm Ngọc Linh. Với giá sâm dây và sâm Ngọc Linh như hiện nay thì trong vài năm tới, đồng bào Xơ Đăng nơi đây sẽ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ sâm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo