Kỳ vọng xuất nhập khẩu lập kỷ lục 800 tỷ USD
Loạt công nghệ AI mới hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất 'tăng tốc' / Ra mắt thang máy kết nối kỹ thuật số
Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng
Xuất khẩu của Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ, đặc biệt với sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực. Tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 37,59 tỷ USD, vượt qua con số 36,24 tỷ USD của tháng 7. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 73,88 tỷ USD, tăng 21%, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%.
Trong các tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu liên tục đạt mức cao. Tháng 6 ghi nhận 33,7 tỷ USD, tháng 7 đạt 36,24 tỷ USD và tháng 8 đạt 37,59 tỷ USD. Trung bình, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt khoảng 33,1 tỷ USD/tháng, cao hơn mức trung bình 31,7 tỷ USD/tháng của nửa cuối năm 2023.
Đặc biệt, tính đến hết tháng 8, đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sáu mặt hàng trong số đó thậm chí đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là trụ cột với kim ngạch đạt 233,3 tỷ USD, chiếm 88% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng gồm máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (tăng 41,9%), điện tử, máy tính và linh kiện (tăng 28,9%) và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (tăng 21,8%).
Ngoài ra, nhóm hàng nông sản, lâm sản cũng có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt kim ngạch 22,53 tỷ USD, tăng 24,9%. Nhiều mặt hàng chủ lực trong nhóm này ghi nhận mức tăng đáng kể như hạt tiêu (tăng 42,6%), cà phê (tăng 34,8%), và rau quả (tăng 33,2%).
Nhập khẩu tăng mạnh thúc đẩy sản xuất
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD (tăng 19,7%), trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%. Có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đáng chú ý, các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất như nguyên liệu, nhiên liệu, và máy móc thiết bị đều tăng mạnh.
Các nhóm hàng nhập khẩu quan trọng như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 26,9%, đạt 68,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 17%, đạt 31,3 tỷ USD. Đặc biệt, nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày cũng ghi nhận mức tăng trưởng 16,9%, đạt 4,6 tỷ USD.
Nhập khẩu tăng cao đang góp phần tích cực vào quá trình phục hồi sản xuất trong nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng, IIP ước tính tăng 8,6% so với năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%.
Kỳ vọng chạm mốc 800 tỷ USD
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, với những kết quả ấn tượng từ hoạt động xuất nhập khẩu, việc đạt được tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 800 tỷ USD vào cuối năm 2024 trở nên rất khả thi. Trong 8 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu duy trì đà tăng này, mục tiêu tăng trưởng 17,5% so với năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được, tương ứng với tổng kim ngạch khoảng 800 tỷ USD vào cuối năm.
Theo thông lệ, hoạt động xuất nhập khẩu thường sôi động hơn vào những tháng cuối năm. Điều này càng củng cố niềm tin về khả năng lập kỷ lục trong năm 2024. Năm 2022, dù là năm kỷ lục với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732 tỷ USD, nhưng chưa tháng nào có kim ngạch vượt mức 70 tỷ USD như đã đạt được trong tháng 7 và 8/2024.
Dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng, để đạt được mục tiêu 800 tỷ USD, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của thị trường quốc tế và các chính sách thương mại toàn cầu. Đặc biệt, các ngành hàng cần đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và phòng vệ thương mại của các thị trường lớn như EU, Mỹ.
Mặc dù xuất khẩu nông sản đang phục hồi tốt, nhưng các ngành hàng công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt lao động và chi phí sản xuất tăng cao.
Trong bối cảnh 4 tháng cuối năm còn lại, các doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ để đẩy mạnh ký kết đơn hàng, chuẩn bị nguyên liệu và nhân công nhằm bảo đảm tiến độ sản xuất. Bộ Công Thương cũng cần chủ động cập nhật tình hình thị trường, cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại, và phát huy vai trò của các cơ quan thương vụ nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu