Thị trường

Lãi suất huy động giảm mạnh, dòng tiền sẽ về đâu?

Lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm trong mấy tháng gần đây do thanh khoản dồi dào. Trong khi đó lãi suất trái phiếu cao, chứng khoán và bất động sản thời điểm cuối năm có dấu hiệu phục hồi. Vậy đâu sẽ là xu hướng dòng chảy của đồng tiền.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tăng 0,5% / Giá vàng hôm nay (2/12): Vàng bật tăng trở lại

SeABank-53-JPG-8814-1606984529.jpg

Người dân vẫn có xu hướng chọn ngân hàng để "cất" tiền nhàn dỗi.

Thống kê trong 10 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tiền gửi đạt 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế.Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.

Lãi suất liên tục giảm

Bước sang tháng 12, xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp diễn. Đáng chú ý, sau khi điều chỉnh giảm tới 0,2 điểm % ở phần lớn các kỳ hạn lần lượt trong tháng 10 và 11, một số “ông lớn” tiếp tục giảm tới 0,2 điểm % so với mức lãi suất niêm yết trước đó.

Chẳng hạn, tại Vietcombank lãi suất kỳ hạn 9 tháng đã về mức 4%/năm, so với mức 4,1%/năm trước đó. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng từ 5,9%/năm xuống 5,7%/năm, kỳ hạn 36 tháng từ 5,6%/năm xuống còn 5,4%/năm.

Các kỳ hạn còn lại hiện không thay đổi, sau khi đã trải qua hai lần được điều chỉnh giảm trong hai tháng trước. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 5,8%/năm thay vì 5,9%/năm trước đó.

 

Tương tự, đầu tháng 12, lãi suất tiết kiệm tại VietinBank cũng tiếp tục được điều chỉnh giảm lên tới 0,2% ở nhiều kỳ hạn sau khi đã giảm khá mạnh trong tháng trước.

Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng, lãi suất đang là 3,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với tháng 11. Kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất huy động cũng giảm 0,2 điểm % so với tháng trước, từ 3,6%/năm xuống còn 3,4%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng được huy động cùng mức lãi suất 4%/năm, giảm 0,2 điểm %.

Đáng lưu ý, ở kỳ hạn dài từ 12 tháng và đến trên 36 tháng đều được áp dụng chung mức lãi suất 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng tại thời điểm này.

Trong khi đó, một “ông lớn” khác là BIDV cũng vừa có sự điều chỉnh giảm 0,2 điểm % so với tháng trước tại hầu hết các kỳ hạn. Và lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 5,6%/năm áp dụng đối với các kì hạn từ 12 tháng trở lên.

Ngân hàng có 100% vốn nhà nước là Agribank cũng không nằm ngoài xu hướng giảm lãi suất huy động trong tháng này. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được niêm yết ở mức là 3,1%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng có cùng lãi suất là 3,4%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng cùng giảm xuống còn 4%/năm.

 

Như vậy, so với thời điểm cuối tháng 11, hiện lãi suất huy động các kỳ hạn trên của Agribank cũng giảm thêm 2 điểm %.

Tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng

Theo giới phân tích, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm mấy tháng gần đây là do thanh khoảncủa các ngân hàng thương mại khá dồi dào mà minh chứng là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục trong thời gian qua.

Việc lãi suất huy động giảm mạnh đã ảnh hưởng đến tâm lý gửi tiền vào ngân hàng của người dân. Thực tế thời gian qua xu hướng chuyển tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng sang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu đang gia tăng.

So với gửi tiết kiệm ngân hàng các kỳ hạn 18-36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ cao nhất hiện nay là khoảng 6%/năm, thì mua trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu được cho là có lợi hơn hẳn.

 

Chị Phạm Minh Hằng (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, lãi suất kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng của các ngân hàng rất thấp, dưới 4%/năm. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao gấp khoảng 2 lần so với lãi suất ngân hàng nên một số bạn bè tôi có tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng đã rút ra để đầu tư vào trái phiếu”.

Theo tính toán của chị Hằng, nếu gửi 500 triệu đồng vào ngân hàng với lãi suất 5%/năm thì mỗi tháng chỉ nhận được khoảng hơn 2 triệu tiền lãi. Mức lãi này chẳng đáng bao nhiêu, coi như nhờ ngân hàng giữ tiền không mất phí. Trong khi đó, gửi vào trái phiếu doanh nghiệp hiện nay với mức lãi suất khoảng 7,5-10,5%/năm. So với lãi suất ngân hàng thì lợi nhuận thu được từ trái phiếu cao hơn nhiều.

Đại diện NHNN cũng thừa nhận, việc rút tiền của người gửi tiền ra đầu tư cái gì là do quyền của người gửi tiền. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lượng tiền gửi vào vẫn nhiều hơn rút ra.

Theo đánh giá của một lãnh đạo ngân hàng có vốn Nhà nước, tuy mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, nhưng dòng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng hàng ngày nhờ ưu thế ổn định phát huy tác dụng trong bối cảnh thị trường biến động do đại dịch.

“Vàng lên giá nhưng sụt giảm thất thường khiến nhà đầu tư cũng không phân bổ nhiều tiền vào kênh này. Thị trường chứng khoán biến động mạnh còn kênh bất động sản chưa thực sự khởi sắc nên cá nhân và doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn đa phần vẫn để trong ngân hàng”, vị lãnh đạo này cho hay.

 

Mặt khác, thời điểm này các ngân hàng đẩy mạnh loạt chương trình ưu đãi khuyến khích gửi tiết kiệm cũng là một động lực thu hút các cá nhân tham gia kênh đầu tư này. Hiện nhiều nhà băng triển khai chương trình khuyến mãi cuối năm với những phần quà giá trị cao có khi lên đến hàng tỷ đồng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm