Nhà băng đổ xô kích cầu tín dụng tiêu dùng
Năm 2020 xuất khẩu lâm sản ước tính đạt 12,6 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới / Thấp thỏm bị 'mạo danh', xuất khẩu gỗ khó cán đích 20 tỷ USD?
Nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh trong tháng cuối năm kéo theo cuộc đua cho vay tín dụng tiêu dùngcủa các ngân hàng. |
Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay được các ngân hàng áp dụng phổ biến từ 6-8,5%/năm, có thể thấy người vay tiêu dùng chưa bao giờ được hưởng ưu đãi lớn như vậy. Mức lãi suất vay tiêu dùng hiện tại chỉ ngang bằng với mức lãi suất cho vay kinh doanh cách đây 1-2 năm.
Lãi suất "mềm", nhiều lựa chọn
Theo thông lệ, nhu cầu tiếp cận vốn tiêu dùng trả góp trung dài hạn, hay vay vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ trong 3 tháng cuối năm sẽ tăng 50%-70% so với các tháng trước. Điều này cũng dễ hiểu khi những ngày cận Tết, nhu cầu vay tăng cao một phần đến từ tập quán lâu đời của người Việt: chi tiêu mạnh tay hơn cho những khoản như mua nhà, mua xe, sửa nhà, mua sắm tiêu dùng…
Các hộ kinh doanh cũng cần vốn để sản xuất hoặc thu mua dự trữ các mặt hàng tạp hóa tiêu dùng cung ứng cho dịp Tết. Dù là những khoản vay không quá lớn nhưng cũng đủ sức đẩy nhu cầu vay tiêu dùng dịp cuối năm lên cao.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhu cầu vốn của các doanh nghiệp giảm mạnh, khiến thanh khoản ngân hàng dư thừa.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế(Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 18/11/2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 7,39% so với cuối năm 2019, tức tăng thêm 1,3% so với cuối tháng 9/2020. Tuy đã khởi sắc trở lại, song tín dụng nhìn chung vẫn tăng trưởng chậm, trong khi vốn huy động vẫn ồ ạt chảy vào ngân hàng.
Trước tình trạng trên, các tổ chức tín dụng đã chuyển hướng tập trung vào cho vay cá nhân. Trong đó, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đang triển khai nhiều gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất ưu đãi để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
Chẳng hạn, ABBank tung ra chương trình “Vay ưu đãi - lãi an tâm” dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất xoay quanh mức 7,6-8,5%/năm. Hạn mức giải ngân 2.000 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính cho các mục tiêu mua nhà, mua xe ô tô, xây sửa nhà mới, vay tiêu dùng hoặc bổ sung vốn kinh doanh.
Đáng chú ý, BIDV thiết kế rất nhiều gói vay phù hợp với nhu cầu và mục đích vay của khách hàng cá nhân, lãi suất chỉ từ 6%/năm. Trong khi đó, ACB triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi giảm 0,5%-1,5% so với năm 2019; MSB công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân…
Điểm nổi bật là các gói cho vay ưu đãi từ các ngân hàng có mức lãi suất khá mềm, thấp hơn khoảng 1-2%/năm so với năm ngoái, cùng với đó là điều kiện hấp dẫn hơn… cho phép người vay có nhiều lựa chọn và dễ dàng tiếp cận vốn hơn.
Hai bên cùng có lợi
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch bệnh kéo dài, một số người đã phải nghỉ việc, số khác chấp nhận bị giảm lương, giảm giờ làm. Các khoản vay tiêu dùng từng giúp người lao động mua sắm tiện nghi, góp phần nâng cao cuộc sống của bản thân và gia đình thì nay khoản thanh toán hàng tháng trở thành nỗi đau đầu thường trực khi thu nhập của họ ngày càng eo hẹp.
Vì vậy, thời điểm này là cơ hội tốt để người vay có thể nắm bắt, tận dụng những khoản vay ưu đãi thiết lập một cuộc sống đầy đủ hơn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khuyến nghị, người vay nên tranh thủ tìm hiểu kỹ các loại hình vay cũng như các sản phẩm tối ưu mà ngân hàng đang áp dụng.
Chẳng hạn, một số ngân hàng có chương trình ưu đãi giảm lãi vay thêm 2% so với mức hiện hành cho khách hàng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ lưu trú, nhà hàng quán ăn và xuất nhập khẩu (giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch).
Hay đối với khách hàng cá nhân cần vay vốn để phục vụ mục đích tiêu dùng, mua xe, mua nhà sẽ được vay vốn lãi suất 0% trong 3 năm đầu tiên.
Bên cạnh đó, một số nhà băng áp dụng chính sách khách hàng cá nhân trả nợ trước hạn sẽ được giảm phí, miễn nhiều dịch vụ tín dụng khác…
Đối với ngân hàng, khi thực hiện các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng cá nhân sẽ giúp giảm bớt nguồn vốn đang dư thừa. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, giúp đạt mục tiêu kinh doanh trong năm tài chính 2020.
Bên cạnh những điểm tích cực trên, ông Hiếu còn cho rằng, việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng còn giúp thị trường hạn chế được tín dụng đen, ổn định an sinh xã hội.
Với đặc tính thủ tục nhanh gọn nhẹ, nếu khách hàng tìm hiểu kỹ về hồ sơ vay, điều khoản về lãi suất và khả năng trả nợ, thì vay tiêu dùng rõ ràng là kênh hữu ích để sử dụng đáp ứng các nhu cầu thiết yếu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo