Thị trường

Lãi suất tiết kiệm không còn quá hấp dẫn, người dân tìm kiếm kênh đầu tư

TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, Hiện, lãi suất tiết kiệm không còn quá hấp dẫn, người dân có xu hướng tìm kiếm những kênh đầu tư hiệu quả hơn và bất động sản (BĐS) vẫn được xem là một kênh đầu tư tiềm năng.

Chuỗi cung ứng lạnh bứt tốc, hướng mốc 1,7 triệu pallet vào 2028 / Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh

“Việc doanh nghiệp xây dựng uy tín, quảng bá dự án minh bạch và hiệu quả sẽ là chìa khóa để thu hút nguồn vốn từ chính người dân”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Niềm tin và động lực để tiếp tục phát triển doanh nghiệp

Chú thích ảnh
TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển

Theo giới phân tích, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định và áp lực lạm phát không quá lớn, lãi suất dự kiến tiếp tục duy trì ở mức thấp hoặc giảm nhẹ trong thời gian tới.

Thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Điều này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục kiên định với mục tiêu ổn định lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, một định hướng được khẳng định xuyên suốt trong các tuyên bố chính sách và qua các động thái điều hành ngay từ đầu năm 2025.

Ngày 4/7, lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng dao động từ 6 - 9,65%/năm. Nhưng để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện đặc biệt. Theo thống kê từ BSC Research và KBSV Research, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng đã giảm từ 6 - 7% so với mức đỉnh năm 2023.

Tại Diễn đàn "Đầu tư BĐS trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới" do TheLEADER tổ chức mới đây, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển bày tỏ tin tưởng thị trường BĐS đang mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng. “Chủ trương sáp nhập tỉnh, một bước đi chiến lược của Chính phủ, hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ trên khắp cả nước. Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự hình thành của các thành phố vệ tinh hiện đại, những đô thị song sinh sầm uất, từ đó kiến tạo một thị trường BĐS với động lực tăng trưởng mới”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Điển hình Quy hoạch khu vực Long Thành với Dự án sân bay quốc tế tầm cỡ. Thêm vào đó, hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm Quốc gia về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, cảng biển cùng nhiều công trình khác sẽ khơi dậy một xu hướng đô thị hóa chưa từng có, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn lan tỏa đến nhiều vùng miền trên cả nước.

 

Trong bối cảnh thị trường đang chuyển mình, một số chuyên gia kinh tế cũng đặc biệt lưu ý đến vai trò của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Nghị quyết này mở ra một không gian phát triển rộng lớn cho các doanh nghiệp, tạo động lực cho sự đổi mới và sáng tạo.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Cen Group. Ảnh: BTC

Theo ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Cen Group, thực tiễn cuộc sống đã được phản ánh vào trong các Nghị quyết. “Điều này mang lại cho chúng tôi niềm tin và động lực để tiếp tục phát triển doanh nghiệp. Thủ tục pháp lý trong thời gian tới hứa hẹn sẽ trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn. Thời gian qua, thị trường gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt nguồn cung BĐS bị hạn chế. Tuy nhiên, tình hình sắp tới sẽ khác, nhiều khả năng sẽ ‘bùng nổ", ông Nguyễn Trung Vũ cho biết.

“Trong 5 - 10 năm tới, chiến lược đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ thay đổi hoàn toàn so với giai đoạn vừa qua. Nhìn lại 5 năm gần đây, thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Còn 5 năm trước đó, khi chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà, thị trường đã bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều phân khúc như bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Trong suốt 10 năm qua, thị trường thiếu nguồn cung trầm trọng. Nhưng từ thời điểm này trở đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ nguồn cung, đây là sự thay đổi rất lớn”, ông Nguyễn Trung Vũ nhận định.

Yếu tố then chốt để nhà đầu tư “xuống tiền” sau khi sáp nhập

Chú thích ảnh
Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes

Ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Homes cho rằng: “Chúng ta cần nhìn vào nhu cầu thực sự của khách hàng, tức là họ đang cần gì, quan tâm đến điều gì, chứ không chỉ chạy theo xu hướng chung. Trong giai đoạn hiện nay, có đến 78% nhà đầu tư quan tâm đến việc bảo toàn và sinh lời dòng tiền, còn lại là những yếu tố mang tính cơ hội khác. Xu hướng của dòng tiền rất rõ ràng, sau năm 2022 đến đầu 2025, giới đầu tư tập trung vào hai phân khúc chính”.

 

Một là “BĐS tạo dòng tiền”, những sản phẩm cho thuê được ngay, sinh lời ổn định; hai là “BĐS đô thị”, đáp ứng nhu cầu an cư, tiện ích, có thể khai thác lâu dài. Các nhà đầu tư ngày nay nghiên cứu rất kỹ các chỉ số kinh tế vĩ mô (GDP, năng lực cạnh tranh), chiến lược phát triển của địa phương, cùng với yếu tố di dân, vận động dân cư và tốc độ đô thị hóa. Họ ưu tiên những tỉnh đã đầu tư mạnh vào hạ tầng, cơ sở sản xuất – nhất là công nghiệp; có lực kéo di dân từ các trung tâm lớn (ví dụ vùng quanh Hà Nội); được kết nối tốt qua các trục giao thông chínhvà có mật độ dân cư và đô thị hóa đủ cao để bảo đảm tính thanh khoản.

“Cơ hội trước hết là việc toàn bộ hệ thống chính trị thay đổi tư duy, xác định rõ các vấn đề cần đổi mới cũng như vai trò của nhà nước, của tư nhân và vấn đề thay đổi công nghệ; cơ hội thứ hai là sự thay đổi thể chế - vấn đề được Tổng bí thư nhấn mạnh là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Chúng ta đều thấy được những hành động rất nhanh chóng và quyết liệt của bộ máy nhà nước, đơn cử như nhanh chóng thay đổi hàng loạt vấn đề liên quan đến bất động sản bằng luật và một loạt nghị quyết chỉ trong một thời gian ngắn, ví dụ như Nghị quyết số 170, Nghị quyết số 172…”, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết.

Đây chính là một sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sai ở đâu sửa luôn ở đó và rõ ràng, tôi cho rằng đây là một trong những cơ hội rất lớn. Bên cạnh đó, việc bộ máy hành chính tinh gọn hơn, sáp nhập lại địa phương sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng hưởng lợi từ quy trình thủ tục ngắn hơn, đơn cử chỉ cần nộp đơn xin giấy phép vào một cửa thôi.

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang cho thấy những kế hoạch, chủ trương rất cụ thể, rõ ràng, như đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cũng như tư duy trong nước có thể làm được mà không nhất thiết phải cần tới doanh nghiệp nước ngoài. Việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng sẽ mở rộng không gian tới các vùng đô thị mới.

Cơ hội của doanh nghiệp BĐS thời gian tới cũng đến từ việc ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian dài vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới đây. Tuy nhiêntheo TS. Nguyễn Văn Đính, các doanh nghiệp BĐS cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong thời gian tới.

 

Chú thích ảnh
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Mặc dù nhiều vấn đề về thể chế đã được tháo gỡ nhưng thể chế chưa thật sự hoàn chỉnh, đòi hỏi sự tiếp tục điều chỉnh và thay đổi trong thời gian tới. “Về phía doanh nghiệp, nội lực của doanh nghiệp BĐS vẫn chưa thật sự mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V). Nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ các vấn đề và thậm chí, sụp đổ khi sự cố xảy ra. Một số doanh nghiệp có thể vượt qua thời gian qua là những doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước đó. Kinh nghiệm của một số Quốc gia cho thấy, việc phát triển của đất nước phải cần tới một số doanh nghiệp lớn, họ mới có thể sẵn sàng vào một cuộc chơi mới, hình thành các siêu đô thị mới có quy mô hàng chục ngàn hecta. Với cuộc chơi sắp tới, các DNN&V phải đồng hành cùng các ông cá mập để phụ trợ, từ đó xây dựng nội lực lớn dần”, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết.

Chất lượng thị trường vốn hiện cũng là thách thức lớn với các doanh nghiệp BĐS, cùng với việc thiếu các kênh dẫn vốn bền vững. Bằng chứng là khi có khủng hoảng, dòng tín dụng tắc đã khiến doanh nghiệp lao dốc.

“Nhà nước đang có nhiều nỗ lực để kiểm soát, điều hành vấn đề này. Chúng tôi đề xuất các giao dịch đều phải qua sàn giao dịch để kiểm soát tốt hơn, tránh tình trạng thao túng, lũng loạn, đầu cơ, thổi giá. Kiểm soát tốt nhưng vẫn phải tạo điều kiện”, TS. Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm