Thị trường

Lâm Đồng: Đinh Văn đổi thay từ nghề trồng dâu, nuôi tằm

Trồng dâu nuôi tằm đang là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân Lâm Đồng, trong đó có bà con người K'ho.

Lúc mới ra ở riêng, gia đình anh Ya Binh, ở tổ dân phố B’Nông Jết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được cha mẹ chia cho 2 sào cà phê. Một phần do cà phê già cỗi, phần vì khó khăn không có tiền mua phân nên cả năm gia đình không dư giả được đồng nào. Các sinh hoạt của gia đình chủ yếu dựa vào tiền đi làm thuê làm mướn của hai vợ chồng.

Được Hội Nông dân tập huấn và hỗ trợ cây dâu giống, vợ chồng anh đã mạnh dạn nhổ bỏ cà phê chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm nhờ đó cuộc sống ngày càng ổn định. Anh Y Binh cho biết, thu nhập từ nuôi tằm gia đình đã mua thêm đất, đầu tư xây nhà mới hơn 100m2 vừa để ở vừa có chỗ để nuôi thêm tằm phát triển kinh tế.

“Mới đầu trồng cà phê tôi thấy không hiệu quả, mỗi năm mới cho thu một lần. Thấy người khác trồng dâu nuôi tằm thì cũng học theo, thấy thu nhập tương đối ổn định. Hiện tại, gia đình có thu nhập khá, từ hộ cận nghèo nay đã thoát nghèo”, anh Y Binh nói.

Gia đình anh Ya Binh (bên phải) đã chuyển đổi cà phê già cỗi sang trồng dâu, nuôi tằm.

Tương tự, từ ngày chuyển đổi sang nghề trồng dâu, nuôi tằm lấy kén, mỗi tháng gia đình anh K’Tiêu ở tổ dân phố Ryông Srê, thị trấn Đinh Văn cũng thu về hơn 12 triệu đồng. Anh K’Tiêu cho biết, hiện gia đình đã chuyển đổi 4 sào trồng lúa nước một vụ kém hiệu quả và 2 sào cà phê già cỗi sang trồng dâu siêu cành để nuôi tằm. Cũng nhờ nuôi tằm, nên tháng nào gia đình cũng có tiền gửi xuống cho 3 đưa con đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.

“Tôi thấy nuôi tằm hiệu quả kinh tế cao hơn, cứ nuôi 15 ngày là có thu nhập. Tháng nào cũng nuôi, vừa có tiền xài hàng tháng và dư một ít thì mua thêm phân bón đầu tư cho rẫy cà phê”,anh K’Tiêu chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn, với giá kén tằm hiện nay giao động từ 150.000 – 180.000 đồng/ kg, nếu gia đình nào nuôi đạt thì mỗi tháng cũng cho thu nhập hơn 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

“Đối với trồng dâu nuôi tằm, vốn đầu tư không lớn, nhưng tận dụng được công nhàn rỗi của bà con. Với diện tích đất người dân đã chuyển đổi, các công cụ cho nuôi tằm đơn giản, rẻ, kỹ thuật, cây giống được nhà nước hỗ trợ nên rất thuận lợi cho việc nuôi tằm. Có những hộ sau khi nuôi tằm một vài năm thấy hiệu quả, họ đã đầu tư xây nhà riêng để đảm bảo cho việc nuôi được thuận lợi hơn”, ông Trần Văn Hòa nói.

Từ một vùng chuyên canh cây cà phê và lúa nước đến nay toàn thị trấn Đinh Văn bà con đã chuyển đổi gần 190 ha sang trồng dâu nuôi tằm. Nhiều hộ còn chuyên trồng dâu hái lá, cung cấp cho các hộ nuôi tằm ở các địa phương.

Lứa tằm gia đình ông K'Tiêu vừa nuôi.

Ông Nguyễn Thái Sơn-Phó chủ tịch UBND Thị trấn Đinh Văn cho biết, đã có gần 1.000 hộ bà con K’ho chuyển sang trồng dâu nuôi tằm trong thời gian qua. Đến nay, địa phương không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đặc biệt trong đồng bào dân tộc K’ho. Bà con đã biết áp dụng mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật và giống mới để nâng cao thu nhập.

“Trước đây bà con chỉ trồng trong 6 tháng mùa mưa, còn hiện nay bà con đang áp dụng các biện pháp tưới phun, tới béc giúp cho cây dâu có thu nhập hàng tháng liên tục, kể cả trong mùa nắng. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở thêm các lớp hướng dẫn kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm cho bà con”, ông Nguyễn Thái Sơn nói.

Để bà con gắn bó với nghề dâu tằm, bên cạnh cây cà phê và lúa nước truyền thống, Đảng ủy, chính quyền thị trấn Đinh Văn đang hỗ trợ cho các hộ chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây dâu 500.000 đồng/sào để bà con có kinh phí mua giống, mua phân bón chăm sóc dâu. Đồng thời, địa phương đang tạo chuỗi liên kết, tìm doanh nghiệp để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm giúp bà con ổn định sản xuất.

Theo Tuấn Anh/VOV

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo