Lâm Đồng - Hà Nội ngồi lại tính chuyện “buôn” hoa
Chi hơn 1 tỷ đồng chống mạo danh thương hiệu khoai tây Đà Lạt / 3 tháng, gần 600 tấn khoai tây Trung Quốc được nhập vào Đà Lạt, nông dân khốn đốn
Do đó, mới đây, tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội - Lâm Đồng, Hiệp hội hoa Đà Lạt đã tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ liên kết, phân phối, tiêu thụ sản phẩm hoa Ðà Lạt tại thị trường phía Bắc”, để tìm tiếng nói chung, bắt tay “buôn” hoa bền vững.
Sợi dây liên kết
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nhắc đến hoa là người ta lại nghĩ đến Đà Lạt mộng mơ và Hà Nội duyên dáng, yêu kiều. Với sự đồng điệu về khí hậu, thời tiết mát mẻ, ôn hoà, thổ nhưỡng đất đai màu mỡ; cái gốc gác, cốt cách thanh lịch, nhẹ nhàng của con người...
Và 2 xứ sở “ngàn hoa” ấy lại tìm gặp nhau ở thị trường hoa, cùng nhau liên kết, tương hỗ trong dòng chảy cung – cầu.
Lâm Đồng - Hà Nội ngồi lại với nhau tìm hướng "buôn" hoa bền vững (Ảnh: Sở Công thương Lâm Đồng)
Ngược về quá khứ gần 80 năm trước, một số người dân ở những làng hoa Thủ đô, như: Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Xuân Tảo... đã di cư vào Đà Lạt, khai khẩn đất đai, lập làng trồng hoa, cấy rau... rồi “se duyên” với mảnh đất sương mù này cho đến tận bây giờ, góp phần làm nên tên tuổi, thương hiệu hoa Đà Lạt.
Cũng chính từ cái gốc gác đó mà từ lâu, Hà Nội đã trở thành một trong những thị trường tiêu thụ hoa chủ yếu của Đà Lạt. Không những thế, nhiều giống hoa trồng tại các làng hoa nổi tiếng của Hà Nội, như: Tây Tựu, Mê Linh… là do những công ty, nhà vườn ở Đà Lạt ươm mầm, cung cấp. Từ đó tạo nên mối quan hệ khắng khít, hỗ trợ nhau theo dòng chảy kinh tế thị trường.
Bài toán cung - cầu
Bên cạnh những “tín hiệu vui” và thuận lợi kể trên thì hiện nay, chuyện “buôn” hoa giữa 2 đơn vị vẫn còn nhiều bất cập, nhất là về sự trùng lắp và bài toán cung - cầu, rất cần được tháo gỡ.
Để rồi đến khi ngồi lại với nhau, các bên mới “vỡ” ra rằng, nhiều thời điểm trong năm, cả Đà Lạt và Hà Nội cùng nở rộ một loại hoa, như: Hồng, cúc, lily... khiến nguồn cung tăng mạnh, giá giảm sâu, người trồng hoa thất thu.
Ngược lại, vào những dịp lễ, tết, giá hoa Đà Lạt tăng cao đột ngột khiến nhiều tiểu thương kinh doanh hoa và cửa hàng hoa tươi ở Hà Nội gặp khó vì hoa nhập từ Đà Lạt giá quá “chát”.
Đoàn công tác của Lâm Đồng khảo sát thị trường hoa Đà Lạt đang bán tại chợ Quảng Bạ, Hà Nội (Ảnh: Sở Công Thương Lâm Đồng)
Bên cạnh đó, nhiều vùng hoa của Hà Nội phải nhập khẩu giống, nguyên vật liệu trồng hoa từ nước ngoài. Trong khi, Đà Lạt đang làm rất tốt khâu này, nhưng nhiều doanh nghiệp trồng hoa, nhà vườn tại Hà Nội lại chưa biết hoặc "ngại" tiếp cận.
Đó là chưa kể đến việc cả 2 thị trường đều đang phải cạnh tranh gay gắt với hoa nhập khẩu từ nước ngoài.
Do đó, nếu 2 “vựa” hoa này liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong phân phối giống, vật tư, công nghệ trồng; thông tin thường xuyên về sản lượng cung ứng, loại hoa chủ lực theo mùa... thì tình trạng mất cân đối cung - cầu sẽ từng bước được khắc phục, giảm thiệt hại cho người trồng hoa.
Bắt tay “buôn” hoa bền vững
Trước yêu cầu cấp thiết đó, tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ liên kết, phân phối, tiêu thụ sản phẩm hoa Ðà Lạt tại thị trường phía Bắc”, Sở Công Thương Hà Nội – Lâm Đồng và Hiệp hội hoa Đà Lạt, đã ngồi lại với nhau, bắt tay hợp tác, tính chuyện “buôn” hoa bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.
Các bên trao đổi để thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình và phân tích tình hình thực tế của việc kết nối, phối hợp để cùng nhau điều tiết cung - cầu, phát triển ngành hoa.
Hoa Đà Lạt tại chợ Mê Linh, Hà Nội (Ảnh: Sở Công Thương Lâm Đồng)
Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, hoa Đà Lạt đã có thương hiệu trên thị trường, người tiêu dùng cả nước rất ưa chuộng.Tuy nhiên, cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sản phẩm hoa Đà Lạt để người tiêu dùng, người kinh doanh so sánh, phân biệt giá trị và nhận diện thương hiệu. Cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh kết nối về thông tin, nắm bắt nhu cầu, dự báo thị trường.
Trao đổi tại hội nghị, ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, phía Bắc là thị trường lớn, chỉ tính riêng Hà Nội đã có khoảng 14 triệu dân, nên nhu cầu tiêu dùng hoa rất nhiều, nhất là vào dịp lễ, tết. Tuy nhiên, hoa Đà Lạt cung ứng tại thị trường đầy tiềm năng này còn thấp, mới chỉ khoảng 20% so với tổng lượng hoa tiêu thụ của tỉnh.
“Hiện nay, Lâm Đồng đã xây dựng nhãn hiệu hoa “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” để nhận diện thương hiệu sản phẩm. Hy vọng trong thời gian tới, 2 vùng trồng hoa trọng điểm cả nước sẽ có những chính sách, hoạt động hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường hoa trong và ngoài nước”, ông Thế mong muốn.
Khảo sát vườn hoa của người dân Hà Nội tại làng hoa Tây Tựu (Ảnh: Sở Công thương Lâm Đồng)
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thì đề nghị, các hội viên của Hiệp hội hoa Đà Lạt ký hợp đồng cung ứng - tiêu thụ ổn định giữa các nhà cung cấp của Lâm Đồng và các nhà phân phối, thương nhân Hà Nội để đảm bảo nguồn hàng ổn định, cạnh tranh với các sản phẩm hoa ngoại nhập.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân, thương nhân ưu tiên sử dụng hoa Việt Nam nói chung và hoa Đà Lạt nói riêng. Đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoa Đà Lạt cung ứng ra Thủ đô, đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp cuộc sống của người dân”, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cam kết.
Có thể nói, phát triển ngành hoa là vấn đề chung mà Hà Nội và Lâm Đồng cùng hướng đến. Hy vọng với lần ngồi lại với nhau này, 2 “vựa” hoa sẽ có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp cùng nhau điều tiết cung - cầu, để ngành hoa Việt Nam phát triển bền vững và vươn xa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng